Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 01:31 (GMT +7)
Cuộc chiến sinh tồn của nhà sản xuất Việt Nam
Thứ 6, 18/10/2024 | 10:17:33 [GMT +7] A A
Ngành sản xuất tiêu dùng trong nước sẽ bị "tiêu diệt" chứ không đơn thuần chỉ là "sàng lọc", chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TP.HCM nhận xét trước cơn bão đổ bộ của Temu, Taobao, 1688.com...
Sự trỗi dậy của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Taobao, Temu và Shein đang gây ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Khó trụ nổi trước hàng Trung Quốc bán trên thương mại điện tử
Trao đổi bên lề triển lãm quốc tế lần thứ 22 về máy, thiết bị ngành công nghiệp nhựa và cao su (VietnamPlas 2024) ở TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Anh - chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TP.HCM - cho biết những nền tảng này đang làm xáo trộn sản xuất trong nước, đặc biệt trong các ngành giày, dép và hàng tiêu dùng.
"Người tiêu dùng Việt Nam giờ đây có thể mua hàng trực tiếp từ các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, với thời gian giao hàng chỉ vài ngày. Cách thức mua bán mới này đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt cho các nhà sản xuất trong nước, những người vốn đã gặp khó khăn với chi phí sản xuất cao" - ông Nguyễn Quốc Anh cho biết.
Trong các ngành như cao su và nhựa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chịu áp lực lớn từ sự cạnh tranh này. Một đôi dép sản xuất trong nước có giá 300.000 - 400.000 đồng hiện đang bị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bán rẻ hơn 20-30% qua các kênh thương mại điện tử. Sự tiện lợi của việc giao hàng tận nơi và giá thành thấp hơn mà các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc cung cấp đã khiến các nhà sản xuất Việt Nam khó theo kịp.
Nhiều nhà sản xuất trong nước đã phải nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc, dán nhãn thương hiệu Việt Nam và bán lại trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, ngay cả phương pháp này cũng đang tỏ ra không hiệu quả khi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế về giá cả và khả năng cung ứng.
Ông Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh điều bất công là những nền như Taobao, Temu và Shein bán hàng vào Việt Nam mà không phải nộp thuế và hưởng lợi từ hệ thống logistics mạnh mẽ do Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản, bao gồm thuế nhập khẩu và chi phí sản xuất cao, khiến họ không thể cạnh tranh một cách hiệu quả. Nguyên liệu sản xuất như cao su, hóa chất, nhựa... nhập về cảng đã phải chịu thuế VAT, muốn hoàn thì rất khó.
"Tình hình không chỉ đơn thuần là cạnh tranh nữa, nó đã trở thành vấn đề bảo vệ thị trường và sản xuất trong nước. Đây là một vấn đề kinh tế vĩ mô cần sự can thiệp của Chính phủ" - ông nhấn mạnh.
Kêu gọi thực hành thương mại công bằng
Sự cạnh tranh không công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước đã khiến các nhà sản xuất trong nước yêu cầu Chính phủ áp đặt thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc được bán qua các nền tảng thương mại điện tử, để có một sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất nội địa.
"Hiện nay các sản phẩm nội địa bán trên các kênh truyền thống cũng phải chịu nhiều loại thuế. Điều này khiến họ gặp bất lợi so với hàng hóa không chịu thuế bán qua các nền tảng thương mại điện tử" - ông Nguyễn Quốc Anh nói thêm.
Trước những thách thức này, nếu không có giải pháp, "cơn bão thương mại điện tử" từ Trung Quốc có thể sẽ làm thay đổi vĩnh viễn cục diện sản xuất của Việt Nam và điều này được dự báo sẽ xảy ra chỉ trong 1-2 năm tới. Ngay hiện tại đã có một số doanh nghiệp nhỏ điêu đứng trước cơn bão hàng Trung Quốc qua thương mại điện tử.
"Tôi có người bạn chuyên sản xuất một mặt hàng may mặc duy nhất và bỏ mối cho các chợ truyền thống, siêu thị... Trước đây người này tận dụng nguyên liệu giá rẻ nhập từ Trung Quốc để sản xuất và bán trong nước. Nhưng bây giờ mặt hàng này không thể rẻ hơn so với hàng từ Trung Quốc mua trên sàn thương mại điện tử nên gần như không còn bán được nữa", ông Quốc Anh chia sẻ.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()