Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 08:08 (GMT +7)
Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ ảnh hưởng nặng nề đến Anh
Thứ 3, 27/02/2024 | 16:59:42 [GMT +7] A A
Các chuyên gia năng lượng Anh còn lo ngại xung đột tiếp diễn ở Biển Đỏ có thể gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng mới, từ đó nền kinh tế Anh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Công ty dịch vụ tài chính S&P Global của Mỹ ngày 25/2 cho biết, Anh đã phải chịu ảnh hưởng nhiều hơn những nước khác do sự gián đoạn trong vận chuyển qua Biển Đỏ vì xung đột leo thang ở Trung Đông.
So sánh với dữ liệu tháng 1, tình hình hiện tại có tác động “vừa phải” đến cả chuỗi cung ứng và giá cả do sự gián đoạn vận chuyển. Nhưng nghiên cứu của S&P Global lưu ý: “Ở một số quốc gia, đặc biệt là Anh, tác động tiêu cực sẽ lớn hơn ở những quốc gia khác”. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đã có tác động tồi tệ nhất đến các nhà sản xuất ở Anh, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản xuất và đẩy chi phí nguyên liệu thô lên cao.
Cần lưu ý rằng trong số các công ty Anh được xem xét trong nghiên cứu của S&P Global, 12% cho biết thời gian giao hàng tăng lên. Theo sau Anh về chỉ số này là Hy Lạp (9%), Pháp và Đức (8%). Việc phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi sẽ tăng thêm thời gian vận chuyển từ 10 đến 14 ngày so với tuyến đường biển qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez.
Khoảng 80% các công ty ở Anh báo cáo việc giao hàng chậm hơn là do sự chậm trễ liên quan đến các sự kiện ở Biển Đỏ, nơi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi đã dẫn đến việc ngày càng nhiều công ty vận tải chuyển hàng hóa từ châu Á đến châu Âu qua Mũi Hảo Vọng thay vì qua Kênh đào Suez. Một hành trình dài như vậy thường kéo dài lộ trình giao hàng ít nhất 10 ngày. Sự chậm trễ được báo cáo phổ biến nhất trong ngành dệt may và ô tô.
Theo câu ngạn ngữ “thời gian là tiền bạc”, thời gian giao hàng của các nhà cung cấp tăng lên kéo theo chi phí của các nhà sản xuất tăng lên lần đầu tiên sau 9 tháng. Mức tăng giá hàng hóa trong tháng 1 là lớn nhất kể từ tháng 3 năm ngoái. Những chi phí cao hơn đó đã được chuyển sang người mua, dẫn đến giá hàng hóa tăng nhanh nhất kể từ tháng 5 năm ngoái, S&P Global giải thích.
S&P Global cho biết chỉ số PMI (theo dõi sản xuất công nghiệp) tại Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng là 44,9. Bất kỳ chỉ số nào dưới 50 đều cho thấy sản lượng đang giảm.
Một cuộc khảo sát đối với các nhà quản lý mua hàng ở Anh của S&P Global cũng cho thấy các chuỗi cung ứng sản xuất đã bị ảnh hưởng bởi thời gian chờ đợi hàng container lâu hơn trong tháng 1 do cuộc khủng hoảng Biển Đỏ. Khi nguồn cung mất nhiều thời gian hơn để đến nơi sản xuất và các công ty đang giảm lượng hàng tồn kho.
Các công ty Anh báo cáo mức giá họ phải trả cho vận chuyển tăng vọt khi các cuộc tấn công vào tàu thương mại ở Biển Đỏ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, một động thái có thể làm tăng lạm phát và trì hoãn việc cắt giảm lãi suất.
Một nghiên cứu từ Liên đoàn Công nghiệp Anh cho biết chi phí sản xuất tăng nhanh trong tháng 1, với giá dự kiến sẽ còn tăng thêm trong những tháng tới. “Các báo cáo này là những dấu hiệu hữu hình đầu tiên cho thấy xung đột Biển Đỏ đang tác động mạnh vào nền kinh tế Anh và khiến các nhà đầu tư lo ngại Ngân hàng Trung ương Anh khó có thể cắt giảm lãi suất. Đồng bảng Anh đã tăng vọt”, Bloomberg viết.
Ana Andrade của Bloomberg Economics cho biết: “Rủi ro là mối đe dọa về áp lực giá mới trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đỏ sẽ buộc Ngân hàng Anh phải trì hoãn chính sách nới lỏng của mình”.
Một dấu hiệu khủng hoảng khác là sự gia tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Anh. Nền kinh tế của nước này càng ổn định thì lãi suất trái phiếu càng thấp. Giờ đây, lợi suất trái phiếu 10 năm đã tăng gần 4% lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái.
Các chuyên gia năng lượng Anh còn lo ngại xung đột tiếp diễn ở Biển Đỏ có thể gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng mới, từ đó nền kinh tế Anh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Andrew Grover, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Advantage Utilities của Anh, cảnh báo rằng giá cả trên thị trường năng lượng có thể bắt đầu tăng: “Nếu xung đột [ở Biển Đỏ] leo thang hơn nữa, tác động tiêu cực đến giá năng lượng toàn cầu có thể rất đáng kể. Nếu sự gián đoạn nguồn cung tiếp tục trong vài tuần nữa, điều này sẽ dẫn đến giá [năng lượng] cao hơn”.
Về phần mình, Bộ Tài chính Anh đã cảnh báo rằng việc tiếp tục gián đoạn nguồn cung có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng lần thứ hai.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()