Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:22 (GMT +7)
Đã có 55% chỉ tiêu đạt, vượt mục tiêu Chiến lược Bình đẳng giới đến năm 2025
Thứ 4, 22/05/2024 | 11:16:13 [GMT +7] A A
Tính đến cuối năm 2023, có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược Bình đẳng giới đến năm 2025. Ngoài ra còn có 3 chỉ tiêu đạt một phần so với mục tiêu đề ra, 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, sáng 22/5, Quốc hội đã nghe trình bày các báo cáo và báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
11/20 tiêu chí đạt và vượt mục tiêu
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Nhờ đó, tính đến cuối năm 2023 đã có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025.
Cụ thể, tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương năm 2023 đạt 50,9% (đạt mục tiêu 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030).
Tỷ trọng lao động nữ làm việc khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm giảm xuống còn 26,22%. Đạt và vượt mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025 là giảm xuống dưới 30%.
Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2020 là 28,2%. Đạt mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025. Duy trì và đạt 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.
Tỷ lệ cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đạt 100%, vượt so với chỉ tiêu đề ra là 70% vào năm 2025. Tỷ suất sinh ở vị thành niên năm 2023 là 15,4‰. Năm 2022 chỉ tiêu này là 15,9‰. Đạt chỉ tiêu Chiến lược đề ra đến năm 2025 (dưới 18‰ vào năm 2025).
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và triển khai Đề án “Đưa việc giảng dạy nội dung về giới, bình đẳng giới vào chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non và trình độ đại học giai đoạn 2024-2030”. Phấn đấu đến 2025 đạt mục tiêu nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm.
Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt 96%; Tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở năm học 2022-2023 đạt 90%, năm học 2021-2022 đạt 89%. Như vậy chỉ tiêu này vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 và đạt chỉ tiêu đến năm 2030.
Tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 41%. Đạt chỉ tiêu của Chiến lược đề ra đạt trên 30% vào năm 2025 và 2030.
Năm 2023, có khoảng 64,8% dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới. Như vậy chỉ tiêu này đã vượt so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 60%.
Duy trì đạt 100% đài phát thanh và đài truyền hình địa phương đã có chuyên mục, chuyên trang về bình đẳng giới dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, được phát sóng định kỳ.
Bên cạnh nhóm chỉ tiêu đạt và vượt, vẫn còn 4 chỉ tiêu còn khoảng cách với mục tiêu đề ra đến năm 2025, bao gồm: Tỷ số giới tính khi sinh, tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản, tỷ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới; tỷ lệ các địa phương đạt chỉ tiêu tuyên truyền về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở.
Đến cuối năm có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt 1 phần so với mục tiêu đề ra đến năm 2030, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.
|
Khó đạt chỉ tiêu cân bằng giới tính vào năm 2025
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy An cho biết, bên cạnh các kết quả đáng ghi nhận, việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 vẫn còn bộc lộ một số hạn chế.
Cụ thể, tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị chưa tương xứng với trình độ, năng lực của phụ nữ hiện nay và chưa đạt được chỉ tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lao động nữ còn chiếm phần lớn trong các ngành nghề thâm dụng lao động, trình độ chuyên môn thấp hoặc làm việc trong khu vực phi chính thức, thu nhập bình quân thấp hơn so với lao động nam.
Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa giảm, chỉ tiêu này cũng khó đạt vào năm 2025, sẽ dẫn tới những hậu quả về xã hội và nhân khẩu học, là một trong những nguyên nhân gây bất bình đẳng giới.
Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, mua bán người vẫn còn diễn biến phức tạp.
Các chính sách, quy định của các dự án luật khi trình Quốc hội chủ yếu trung tính về giới, chưa tính đến sự khác biệt giới để đề xuất các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Một số quy định của Luật Bình đẳng giới còn thiếu sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương, đơn vị chưa có sự quan tâm đúng mức, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Công tác quy hoạch không quy định cụ thể về tỷ lệ nữ đối với từng vị trí, từng cấp, từng ngành nên khó giám sát, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật trong thực hiện.
Bên cạnh đó, phải kể đến tình trạng thiếu số liệu thống kê có phân tách giới; kiến thức về giới, năng lực lồng ghép giới của một số cơ quan soạn thảo còn hạn chế; còn định kiến giới về vai trò, vị trí của nam giới và nữ giới trong lao động, việc làm, gia đình và tư tưởng thích con trai hơn con gái trên thực tế.
Nguyên nhân quan trọng khác là sự thiếu ổn định của đội ngũ công chức quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở các cấp. Kinh phí thực hiện công tác bình đẳng giới còn hạn chế.
Nêu những thách thức với vấn đề bình đẳng giới tại Việt Nam hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy An cũng kiến nghị một số giải pháp cụ thể đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng như 10 bộ, ngành; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lĩnh vực bình đẳng giới đang ngày càng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như cộng đồng. Với những nỗ lực đó, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Ngày 9/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027, điều này thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các các chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời tin tưởng Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào việc điều hành của UN Women trong thời gian tới. |
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()