Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:14 (GMT +7)
Đa dạng các mô hình bảo vệ chăm sóc trẻ em
Thứ 4, 20/01/2021 | 05:53:07 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có nhiều mô hình, chính sách chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Qua đó, góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (HCĐBKK).
Mô hình “Dịch vụ tâm lý trị liệu cho trẻ tự kỷ, trẻ em rối nhiễu tâm trí” triển khai tại Trung tâm Công tác xã hội là một trong những mô hình hoạt động khá hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng về hội chứng tự kỷ, các vấn đề về rối nhiễu tâm trí ở trẻ.
Từ khi thành lập cho đến nay, Câu lạc bộ đã thu hút được hơn 200 hội viên là các bậc phụ huynh có trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, giáo viên mầm non, những người quan tâm đến lĩnh vực trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí... của tỉnh Quảng Ninh.
Câu lạc bộ triển khai các hoạt động như: Mời chuyên gia đến tập huấn, chia sẻ các vấn đề liên quan đến công tác phòng ngừa, phát hiện, cách chăm sóc, can thiệp cho trẻ tại gia đình; tổ chức giao ban, sinh hoạt chuyên đề; tổ chức hoạt động trị liệu vận động cho trẻ, có sự tham gia của gia đình và một số các hoạt động khác.
Các bác sĩ tình nguyện khám sàng lọc về mắt cho trẻ em xã Sơn Dương (TP Hạ Long). |
Theo bà Nguyễn Thị Nho, Phó Chủ nhiệm CLB Gia đình trẻ tự kỷ tỉnh, kể từ ngày thành lập đến nay, CLB đã đề xuất và tổ chức thành công nhiều buổi tập huấn theo chuyên đề cho các bậc phụ huynh như: Kỹ năng chơi với trẻ tự kỷ, điều hòa cảm giác, can thiệp hành vi, các vấn đề về sử dụng thuốc cho trẻ tự kỷ… nhằm đảm bảo tất cả các gia đình tham gia đều được tư vấn để giải quyết các vấn đề khó khăn trong quá trình can thiệp cho trẻ; đồng thời CLB là tổ chức đại diện, phối hợp với các đơn vị liên quan trong quá trình can thiệp, hỗ trợ gia đình trẻ tự kỷ.
Từ năm 2016 đến nay đã thực hiện sàng lọc, đánh giá đối với 212 trẻ, phát hiện 146 trẻ có bất thường và có kế hoạch can thiệp trị liệu (kết quả 100% trẻ đều có sự tiến bộ, mức độ phát triển của trẻ đã đạt gần đến tuổi phát triển của trẻ bình thường).
Nhằm giúp trẻ hòa nhập cộng đồng, dựa vào các nguồn lực trong xã hội để nuôi dạy các em, mô hình “Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” được triển khai trên địa bàn TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và TX Quảng Yên từ năm 2016, đã mang lại hiệu ứng xã hội tích cực.
Đến nay, các địa phương đã hỗ trợ cho 100 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (HCĐBKK) và 124 lượt gia đình nhận nuôi; tổ chức trên 40 buổi sinh hoạt chuyên đề cho 800 lượt cá nhân đại diện gia đình nhận nuôi về các kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ.
Việc triển khai mô hình này đã giúp trẻ em có HCĐBKK được trải nghiệm cuộc sống gia đình thực sự. Các em được đáp ứng nhu cầu học tập, chế độ dinh dưỡng, trang bị kiến thức tâm sinh lý, bảo vệ bản thân, được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh và đủ điều kiện để phát triển về thể chất, tinh thần, hòa nhập cộng đồng.
Chuyên viên Trung tâm CTXH tham gia trị liệu cho trẻ rối nhiễu tâm trí. |
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng tiếp tục duy trì mô hình “Phòng ngừa trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”, trong đó có 4 CLB thân thiện dành cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV tại Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả. Hay như mô hình “Dạy nghề gắn với việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của 1.400 trẻ em có HCĐBKK (từ 13 đến dưới 16 tuổi); đồng thời, khảo sát, đánh giá năng lực dạy nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động ở 250 cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại TX Quảng Yên, Đông Triều và TP Uông Bí.
Trên cơ sở đó, Trung tâm kết nối, hỗ trợ cho 98 trẻ em có HCĐBKK được học các nghề như: Làm vàng mã, pha chế đồ uống và phục vụ quầy bar, sửa chữa điện lạnh, làm đẹp, may mặc, cắm hoa… Hầu hết trẻ sau đào tạo nghề đã có việc làm ổn định.
Với mục tiêu huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em dựa vào cộng đồng, các mô hình chăm sóc trẻ em đã mang lại hiệu quả, góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có HCĐBKK với trẻ em bình thường tại nơi cư trú.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()