Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 08:11 (GMT +7)
Đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững
Thứ 4, 13/11/2024 | 05:20:39 [GMT +7] A A
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên của người dân nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là việc huy động hiệu quả các nguồn lực, duy trì, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đã góp phần quan trọng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn tỉnh.
Nhiều mô hình hiệu quả
Hà Bắc vốn là thôn nghèo, khó khăn nhất của xã vùng cao Hà Lâu, huyện Tiên Yên, nhưng đến nay, nơi đây đã thực sự đổi thay, với dáng dấp của một thôn nông thôn mới. Đó là những con đường được bê tông hóa, những ngôi nhà khang trang, những trang trại “Gà Tiên Yên” với quy mô hàng nghìn con…
Từng là một hộ nghèo xoay xở tìm kế sinh nhai mỗi ngày, anh Sằn Văn Cắm, thôn Hà Bắc (xã Hà Lâu) đã mạnh dạn tìm tòi các mô hình kinh tế để thoát nghèo. Năm 2017, anh là một trong những người đầu tiên tại xã Hà Lâu mạnh dạn vay vốn đầu tư chuồng trại để thử nghiệm mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên thả đồi. Từ 500 con gà đầu tiên, đến nay, sau gần 7 năm mở rộng quy mô chăn nuôi, anh Sằn Văn Cắm đã xuất ra thị trường hơn 10.000 con gà thương phẩm mỗi năm.
Anh Sằn Văn Cắm, chia sẻ: Mặc dù có diện tích đất rừng lớn, tuy nhiên người dân trong thôn lại không phát huy hết giá trị của đồi rừng, vì thế hiệu quả kinh tế chưa cao, cái nghèo luôn đeo bám. Khi được các cấp, ngành quan tâm định hướng, tạo điều kiện vay vốn để phát triển sản xuất, gia đình tôi đã mạnh dạn mua giống gà Tiên Yên về nuôi cho giá trị kinh tế cao. Với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nuôi đúng quy trình, chất lượng ổn định, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên gần như tôi không phải lo đầu ra sản phẩm. Những năm gần đây, đường sá được đầu tư, bê tông hóa đến tận thôn, bản nên công việc làm ăn buôn bán của người dân chúng tôi cũng thuận tiện hơn, thương lái đến tận nơi thu mua. Giờ đây không chỉ thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, thu nhập bình quân của gia đình khoảng trên 600 triệu đồng/năm.
Không riêng Hà Bắc, mô hình chăn nuôi sản phẩm đặc sản địa phương "gà Tiên Yên" đã trở thành một trong những sinh kế hiệu quả góp phần giúp người dân xã vùng cao Hà Lâu thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay, toàn xã có 84 hộ gia đình tham gia mô hình với quy mô gần 146.000 con.
Ông Lã Văn Vy, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, cho biết: Để duy trì và phát huy hiệu quả mô hình nuôi gà Tiên Yên, cấp ủy chính quyền xã Hà Lâu đã phối hợp cùng các đơn vị đồng hành với người dân từ khâu sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật; quản lý trang trại; đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; nguồn vốn vay để tái đàn. Đặc biệt xã đã xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư, tổ chức chợ phiên để giới thiệu sản phẩm và giúp đỡ bà con xuất bán. Mô hình chăn nuôi gà đã giúp tạo ra nhiều việc làm cho người lao động địa phương là người dân tộc thiểu số với thu nhập trung bình 7 triệu đồng/tháng. Năm 2024, xã Hà Lâu đặt mục tiêu tăng quy mô đàn gà xuất ra thị trường lên 160.000 con. Mới đây, Hội Nông dân xã đã ra mắt Tổ hội Nông dân với 6 thành viên “Nuôi 10.000 con gà Tiên Yên thương phẩm/năm”. Việc phát triển mô hình hiệu quả góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Không chỉ phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại, bà con nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển kinh doanh dịch vụ hộ gia đình. Điển hình như anh Lý A Thịm, thôn Thán Phún, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái, từ một lao động thuần nông, anh là người tiên phong mở rộng mô hình kinh doanh tạp hóa kết hợp buôn bán vật liệu xây dựng tại xã biên giới Bắc Sơn. Mô hình làm ăn hiệu quả, đến nay anh đã có trong tay cả một kho xưởng rộng hơn 300m2 với gần 2ha trồng keo, hồi.
Anh Lý A Thịm chia sẻ: Do hoàn cảnh khó khăn nên sau khi lập gia đình, vợ chồng tôi đã mạnh dạn lên thôn biên giới Thán Phún để khai hoang lập nghiệp. Sau nhiều lần thử nghiệm nuôi lợn nhưng không thành công do không đảm bảo được đầu ra, gia đình quyết định đầu tư mô hình kinh doanh tạp hóa kết hợp buôn bán vật liệu xây dựng. Được sự quan tâm, động viên và tạo điều kiện được vay vốn làm ăn của cấp ủy chính quyền địa phương, gia đình tôi càng quyết tâm hơn trong quá trình thực hiện mô hình. Đến nay, việc kinh doanh thuận lợi giúp gia đình có cuộc sống khấm khá hơn, thu nhập được khoảng 20-30 triệu đồng/tháng. Con cái được học hành tử tế, gia đình xây được nhà ở mới, mua ô tô để phục vụ công việc làm ăn và đi lại của gia đình…
Với việc triển khai đa dạng các mô hình phát triển sản xuất, đời sống người dân vùng đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 73,348 triệu đồng/người/năm. Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tiêu chí quốc gia của giai đoạn 2021-2025. Toàn tỉnh chuyển sang giai đoạn thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương theo tiêu chí thu nhập; bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh. Theo báo cáo của các địa phương, dự kiến toàn tỉnh giảm 239 hộ/246 hộ nghèo, bằng 97,15% kế hoạch năm 2024; giảm 1.826/3.063 hộ cận nghèo, bằng 152% kế hoạch năm, không có hộ tái nghèo, tái cận nghèo.
Khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo
Công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân luôn là mục tiêu trọng điểm, xuyên suốt trong quá trình phát triển của tỉnh. Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Nghị quyết 20-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 đặt mục tiêu: Đến hết năm 2024, Quảng Ninh quyết tâm tiếp tục thực hiện mạnh mẽ mục tiêu toàn tỉnh không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt trên 5.000 USD/người, đến năm 2030 đạt 8.000-10.000 USD/người.
Để hiện thực hoá mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tiếp tục khích lệ, động viên, khơi dậy sự vươn lên của các hộ nghèo, cận nghèo trong chủ động vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như: Các cấp hội phụ nữ đã giúp đỡ trên 1.400 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo và hộ gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn bằng các hình thức như giúp cây giống, con giống, vốn, hỗ trợ kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ, tìm đầu ra cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu OCOP của địa phương. Đồng thời, hỗ trợ trên 36.000 hộ gia đình hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách và các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững...
Hiện nay, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh tập trung ở khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS... Bởi vậy, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục vận động người dân thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế hộ gia đình; trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo quy hoạch; mạnh dạn áp dụng chuyển đổi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi nghề nâng cao thu nhập. Đồng thời, tích cực vận động người dân thành lập các tổ hợp tác để cùng nhau phát triển sản xuất. Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh thành lập mới 188 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh lên 681 hợp tác xã. Trong đó phần lớn là HTX hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Nhờ đó việc tiêu thụ hàng hóa do bà con sản xuất cũng dễ dàng, thuận tiện hơn.
Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Năm 2024, huyện Bình Liêu đặt mục tiêu phấn đấu không còn hộ nghèo và số hộ cận nghèo còn khoảng 585 hộ. Bám sát mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện tăng cường rà soát, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Từ đó xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo, giúp các hộ nghèo nâng cao thu nhập sớm vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Huyện tiếp tục duy trì hiệu quả các dự án sản xuất liên kết nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp nhân dân thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo như: Mô hình trồng dong riềng, nho sữa, đào, mận; nuôi cá chạch… Đặc biệt là khuyến khích, thực hiện các chính sách hỗ trợ trong thực hiện các mô hình sản xuất lâm nghiệp kết hợp sản phẩm gỗ và ngoài gỗ như trồng cây dược liệu dưới tán rừng (mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng hồi, trồng dược liệu dưới tán rừng lim, giổi, lát); phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp... Để tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện còn tích cực phối hợp cùng các đơn vị: TKV, Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Quảng Ninh... tư vấn, tạo việc làm ổn định cho hộ nghèo, cận nghèo và nhân dân trên địa bàn có nhu cầu.
Một trong những “chìa khóa” giảm nghèo vùng đồng bào DTTS được triển khai hiệu quả là việc triển khai cho vay tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác để phát triển kinh tế. Bằng nguồn lực của Trung ương và địa phương, tính đến nay, nguồn vốn cho tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 5.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Kiệm, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Ninh, cho biết: Ngân hàng luôn xác định chung tay giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng của đơn vị. Do đó, đơn vị tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chỉ thị của trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH; ưu tiên nguồn vốn cho các địa bàn khó khăn; giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn của người dân. Tính đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho 51.830 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh tạo nguồn thu nhập, giúp gần 32.000 lượt hộ vươn lên thoát nghèo bền vững… Đặc biệt, sau những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, với tinh thần luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn, mất mát đối với doanh nghiệp, người dân đang gặp khó khăn, nhất là với các hộ nghèo, cận nghèo, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền đánh giá từng khách hàng để có phương án cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi..., triển khai gói tín dụng cho vay mới với mức lãi suất hợp lý, quy mô hợp lý giúp người dân, doanh nghiệp tái SXKD, phục hồi sau cơn bão.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhất là sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, để giữ vững mục tiêu đến năm 2025 Quảng Ninh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hiện nay, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã, đang khẩn trương thành lập tổ rà soát, xác định chính xác, cụ thể, nhận định, dự báo nguy cơ, tình hình gia tăng các hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó làm cơ sở, có giải pháp kịp thời triển khai ngay các chính sách hiệu quả, mục tiêu xóa hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trên tinh thần kế thừa, vận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân sau bão của Chính phủ và tỉnh, Quảng Ninh đã, đang nghiên cứu thực hiện tái cơ cấu lại lao động; huy động thêm các nguồn lực xã hội nhằm quyết tâm vượt qua khó khăn, kiên định mục tiêu xoá nghèo bền vững theo tiêu chuẩn của tỉnh, đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, hoàn thành trong năm 2025.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()