Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 20:24 (GMT +7)
Đa dạng mô hình bảo tồn văn hoá các dân tộc
Chủ nhật, 09/06/2024 | 15:59:54 [GMT +7] A A
Việc thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các làng dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới tiên tiến sẽ giúp ích cho sự phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, nâng cao thu nhập cho đồng bào, kéo giảm khoảng cách giữa các vùng, miền.
Ngày 21/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023-2025. Đó là làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (Móng Cái), làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Voòng Tre, xã Bình Dân (Vân Đồn).
Tại Bình Liêu, các bản làng văn hóa đặc trưng cho các dân tộc thiểu số được xây dựng phần nào đó đã mang dáng dấp những “bảo tàng sống” về văn hóa các dân tộc. Du lịch cộng đồng, hoạt động trải nghiệm văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, thu hút được cộng đồng nhân dân tham gia phát triển dịch vụ du lịch. Cùng với đó, các homestay được xây dựng, thu hút du khách đến trải nghiệm văn hoá... Chính những phong tục, tập quán tốt đẹp với nhiều lễ hội đặc sắc đã mang lại những nét độc đáo cho Bình Liêu.
Trước đó, TP Móng Cái đã đề xuất phục dựng làng dân tộc Dao Thanh Y, xã Hải Sơn, mời gọi bà con dân tộc phát triển sản phẩm, dịch vụ. Thành phố đã dành nhiều nguồn lực cho vùng Hải Sơn gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống của người dân.
Tại Vân Đồn, Trung tâm Văn hóa xã kết hợp với nhà truyền thống dân tộc Sán Dìu tại thôn Voòng Tre, xã Bình Dân được xây dựng với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng. Tại đây đã diễn ra nhiều hoạt động, như: Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Dìu, hát soọng cô, múa hành quang, lễ leo dao, lễ lội than và một số trò chơi dân gian… góp phần bảo tồn, giữ gìn, tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống tiêu biểu, nâng cao tình đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện.
Huyện nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể của dân tộc Sán Dìu, xã hội hóa nguồn kinh phí, khôi phục ngôi miếu thành hoàng, xây dựng các mô hình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; thành lập các câu lạc bộ, trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng và điểm du lịch. Đồng thời, tiếp tục thống kê, lập hồ sơ các di sản văn hóa, khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, truyền dạy, sưu tầm, biên soạn, dịch thuật và phổ biến ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian.
Trước đó, TP Hạ Long có Khu bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả. Huyện Tiên Yên có Nhà văn hoá dân tộc Tày tại xã Phong Dụ, Trung tâm Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Chỉ tại xã Đại Dực. Các đề án xây dựng Làng văn hóa dân tộc Sán Dìu xã Hải Lạng, Làng văn hóa dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực, Làng văn hóa dân tộc Dao xã Yên Than - Hà Lâu cũng đã được nghiên cứu, tư vấn triển khai.
Ở quy mô cấp huyện, bên cạnh Trung tâm Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc huyện Tiên Yên và Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Vân Đồn vừa khánh thành, sẽ tiếp tục xây mới Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Hải Hà. Được biết, giai đoạn 2023-2025, Quảng Ninh sẽ xây dựng thêm 9 điểm du lịch cộng đồng có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững. Sau năm 2025, tỉnh tập trung đánh giá, rà soát kết quả thực hiện các chính sách, điều chỉnh, cập nhật số lượng điểm phát triển du lịch cộng đồng còn lại theo điều kiện thực tế và cân đối nguồn ngân sách.
Tại hội thảo với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” do tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ VH,TT&DL tổ chức ngày 12/5, ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Bộ VH,TT&DL), nhận định: "Thời gian vừa qua, Quảng Ninh đã có cách làm sáng tạo bằng cách xây dựng những cơ chế, chính sách phát triển thiết chế văn hóa. Nhiều thiết chế văn hoá phát huy được hiệu quả. Những thành công của Quảng Ninh mang đến cách nhìn trực quan, sinh động hơn trong phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao".
Phạm Học
- Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa nhân loại
- Giáo dục di sản và lịch sử truyền thống góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong học sinh phổ thông ở Quảng Ninh
- Phụ nữ Tiên Yên chung tay giữ gìn văn hóa dân tộc
- Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số
- “Giữ lửa và truyền lửa”, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc
- Nữ chủ nhiệm CLB tâm huyết với bản sắc văn hóa dân tộc
- Làm giàu văn hoá dân tộc Dao Thanh Y ở Thượng Yên Công
Liên kết website
Ý kiến ()