Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 21:18 (GMT +7)
"Da sống" của Trái Đất bị đe dọa từ biến đổi khí hậu
Thứ 2, 14/08/2023 | 11:27:31 [GMT +7] A A
Lớp vỏ sinh học bao phủ khoảng 12% bề mặt Trái Đất đang bị đe dọa, gây ảnh hưởng đến khí hậu, môi trường và sức khỏe con người.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers of Microbiology dự đoán lớp vỏ sinh học của Trái Đất sẽ giảm khoảng 25 - 40% trong vòng 65 năm do biến đổi khí hậu và tăng cường sử dụng đất.
Lớp vỏ sinh học - hay còn được coi như "da sống" của Trái Đất - là tập hợp các vi sinh vật, tạo thành lớp bề mặt lâu năm trong đất. Chúng hiện bao phủ khoảng 12% bề mặt Trái Đất.
Lớp vỏ này đóng góp nhiều vai trò quan trọng, như lấy carbon và nitơ từ không khí và cố định chúng trong đất, tái chế chất dinh dưỡng và giữ các hạt đất lại với nhau, giúp ngăn ngừa bụi...
Trong đó, chức năng ổn định đất - giúp giảm xói mòn bằng cách cung cấp khả năng để đất kết thành khối và không bị phân hủy thành bụi - là cực kỳ quan trọng.
Theo GS. Estelle Couradeau, trưởng nhóm nghiên cứu, sự hiện diện của lớp vỏ sinh học ở vùng đất khô cằn làm giảm đáng kể lượng bụi có thể xâm nhập vào khí quyển.
Do đó, việc mất đi lớp vỏ sinh học sẽ làm tăng lượng phát thải và lắng đọng bụi toàn cầu từ 5 - 15%. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khí hậu, môi trường và sức khỏe con người.
"Khi đất khô, phần lớn các vi khuẩn trong đất sẽ không hoạt động", GS. Couradeau lý giải. "Nhưng ngay khi cảm nhận được nước, chúng sẽ hồi phục rất nhanh, chỉ trong vòng vài giây đến vài phút".
Theo chuyên gia này, các sinh vật nhỏ bé của lớp vỏ sinh học đang tích cực tạo ra chất diệp lục và góp phần cố định carbon, nitơ cho đến khi đất khô trở lại. Tuy nhiên chúng đang bị đe dọa nghiêm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()