Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:22 (GMT +7)
Đại biểu Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Thứ 3, 28/05/2013 | 11:22:53 [GMT +7] A A
Thời gian qua, chúng ta đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong khuôn khổ phiên thảo luận này, tôi xin có ý kiến vào một số nội dung sau. Trước hết là về Lời nói đầu. Lời nói đầu là một bộ phận quan trọng của mỗi bản Hiến pháp. Vì Lời nói đầu của các bản Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở phản ánh các mốc cơ bản của lịch sử dân tộc, lịch sử đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, lịch sử lập hiến, nội dung cơ bản của Hiến pháp, chủ thể của quyền ban hành Hiến pháp. Chính vì thế, theo tôi, nên ngắn gọn như Dự thảo, không nên nêu các mốc lịch sử sẽ dẫn tới sự mất cân đối về bố cục giữa lịch sử đương đại với chiều dài lịch sử của dân tộc thể hiện ở khổ đầu tiên. Nhất là việc liệt kê các sự kiện cụ thể sẽ dẫn tới tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, dẫn đến luôn phải bổ sung, sửa đổi.
Đại biểu Phạm Bình Minh tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. |
Còn về các phương án sửa đổi Hiến pháp. Ở Điều 9 và 10 liên quan đến quy định về Công đoàn Việt Nam tại Điều 9 khoản 2 và Điều 10, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội hai phương án. Phương án 1, bỏ Điều 10 vì vai trò của Công đoàn đã được thể hiện tại khoản 2 Điều 9. Còn phương án 2 thì lại giữ Điều 10 quy định về Công đoàn Việt Nam như Dự thảo đã công bố để tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn. Cá nhân tôi tôi ủng hộ phương án 2 vì các lý do sau: Ở Khoản 2 Điều 9 Dự thảo ngày 17-5-2013 quy định như sau: Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam được thành lập trên cơ sở tự nguyện, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình, cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quyđịnh này có nhắc đến Công đoàn, song chưa thể hiện được vai trò quan trọng của tổ chức này với tư cách là tổ chức đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Hơn nữa, việc tổng kết đánh giá việc thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 1992 cho thấy cần thiết phải tiếp tục kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của Công đoàn cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Đồng thời, dự thảo Hiến pháp cũng đã chỉnh lý quy định này cho phù hợp với yêu cầu mới. Do đó, đề nghị giữ Điều 10 quy định về Công đoàn Việt Nam như Dự thảo đã công bố để tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn.
Chương 2 về quyền con người, Dự thảo bổ sung thêm qui định bảo đảm bình đẳng giữa các quyền. Đề nghị bổ sung quy định nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa các quyền. Bởi thực tế cho thấy, không hiến pháp của quốc gia nào có thể hiến định được tất cả các quyền con người, quyền công dân, trong khi theo nhận thức chung của cộng đồng quốc tế, không có quyền nào được coi trọng hơn quyền nào. Hiến pháp năm 1992 cũng như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chưa có quy định nhằm bảo đảm sự tuân thủ bình đẳng giữa các quyền con người, quyền công dân. Vì thế, theo tôi, việc bổ sung quy định này là cần thiết nhằm phòng ngừa sự coi nhẹ các quyền con người, quyền công dân khác mà không phải là những quyền hiến định. Tham khảo cách quy định trong Hiến pháp Hoa Kỳ, Hiến pháp Hàn quốc và Hiến pháp Liên bang Nga, có thể đề xuất quy định về vấn đề này trong Hiến pháp mới như sau: Việc liệt kê các quyền và tự do trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp các quyền và tự do khác của con người và của công dân. Theo tôi, hoặc có thể quy định về vấn đề này theo cách, ở nước CHXHCN Việt Nam, tất cả các quyền và tự do của con người và của công dân đều được tôn trọng và bảo đảm thực hiện một các bình đẳng, kể cả những quyền hiến định hay không hiến định.
Điều 12 về đối ngoại đã thể hiện rõ về đường lối đối ngoại, bổ sung thêm "đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động tích cực hội nhập quốc tế....lợi ích quốc gia dân tộc.". Theo tôi, nên tiếp tục giữ cụm từ "với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị, xã hội".
Ở Điều 54, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội 3 phương án cho khoản 1 Điều 54 như sau: Phương án 1 nêu nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Phương án 2 thì nêu, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Và Phương án 3 chỉ rõ, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Tôi ủng hộ phương án 1 vì phương án này xác định rõ tính chất của nền kinh tế, mục tiêu phát triển nền kinh tế theo đúng quan điểm, đường lối thể hiện trong Cương lĩnh... Các văn kiện này xác định nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường XHCN là định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách xã hội, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế và xã hội, bảo đảm công bằng, an sinh xã hội, vì lợi ích của nhân dân.
Tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy ở các quốc gia có nền kinh tế đa thành phần, hoặc kinh tế xã hội chủ nghĩa thì việc quy định các thành phần kinh tế trong Hiến pháp là phổ biến. Hiến pháp nhiều nước ghi nhận quan điểm của Nhà nước về vấn đề kinh tế đa thành phần, đặc biệt chú trọng thái độ của Nhà nước về vị trí, vai trò của thành phần kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân thông qua các chính sách khuyến khích và hỗ trợ. Mức độ cụ thể của các quy định cũng rất khác nhau, có quốc gia quy định rõ trong hiến pháp các thành phần kinh tế nào thì được thực hiện các hoạt động kinh tế nào tương ứng, có quốc gia chỉ dừng ở mức quy định cơ bản về các thành phần kinh tế mà Nhà nước thừa nhận. Do đó, việc ghi nhận về tính chất của nền kinh tế và khái quát vai trò của các thành phần kinh tế như được thể hiện tại Phương án là phù hợp.
Ở Khoản 3, Điều 75, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội 2 phương án. Phương án 1, Quốc hội quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước. Còn Phương án 2 thì nêu Quốc hội quyết định dự toán và phân bổ ngân sách Trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách Trung ương; xem xét báo cáo tổng hợp dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước. Tôi ủng hộ phương án 1 vì phương án này vừa bảo đảm tính thống nhất của ngân sách Nhà nước, vừa cho phép thực hiện nguyên tắc Quốc hội phân bổ ngân sách Trung ương và tự chủ ngân sách địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách. Ở Khoản 8 về tuyên thệ nhậm chức, tôi nghĩ, chỉ nên một chức Chủ tịch nước tuyên thệ vì theo Hiến pháp Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước về đối nội và đối ngoại.
Điều 79, Khoản 7, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội 2 phương án như sau: Phương án 1 là giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đề nghị của Chính phủ như Dự thảo đã công bố lấy ý kiến nhân dân. Phương án 2 lại giữ như quy định của Hiến pháp hiện hành, thẩm quyền này thuộc Chính phủ. Tôi ủng hộ phương án 1 vì đây là vấn đề quan trọng, cần phải bảo đảm thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với thực tế Quốc hội không họp thường xuyên. Đây cũng là phương án mà Chính phủ kiến nghị.
Điều 115, Ủy ban Dự thảo sửa đổi trình Quốc hội 2 phương án về mô hình chính quyền địa phương như sau: Phương án 1, giữ quy định về đơn vị hành chính và quy định khái quát về việc tổ chức chính quyền địa phương. Theo phương án này thì Chương IX chỉ còn 2 điều, một điều quy định về đơn vị hành chính, một điều quy định giao quyền cho Quốc hội ban hành luật quy định cụ thể về việc thành lập và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương. Phương án 2 là giữ quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như Hiến pháp hiện hành (gồm 8 điều quy định cụ thể về chức năng nhiệm vụ của 2 cơ quan chính của chính quyền địa phương là hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân). Ở phương án 1 thể hiện thực tế Nhà nước ta đang có nhu cầu đổi mới mô hình chính quyền địa phương. Vì thực tế, thời gian qua, đã tiến hành thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường, tăng cường chính quyền đô thị...và đã đạt được những thành công nhất định. Tuy vậy, các đề án thí điểm này chưa được tổng kết một cách đầy đủ, toàn diện, đưa ra mô hình chính quyền địa phương tối ưu. Theo phương án 1, mô hình chính quyền địa phương sẽ được tiếp tục như thực tế hiện nay và chỉ thay đổi sau khi Quốc hội ban hành luật quy định chi tiết về chính quyền địa phương. Do đó, tôi ủng hộ Phương án 1.
Cuối cùng là ở Điều 120, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội 2 phương án: Phương án 1, tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp.Phương án 2 là thành lập Hội đồng Hiến pháp như trong Dự thảo.Tôi ủng hộ phương án 2. Vì việc bổ sung Điều 120 hiến định việc thành lập Hội đồng Hiến pháp với tư cách là một thiết chế kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Nhà nước ban hành cũng như các điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, kiến nghị biện pháp xử lý theo đúng thẩm quyền do luật định đối với những văn bản vi hiến là một phát triển tiến bộ và phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Quy định như vậy phản ánh chủ trương đề cao và bảo vệ Hiến pháp, đồng thời phù hợp với truyền thống pháp lý cũng như hoàn cảnh chính trị, xã hội hiện hành của đất nước. Song theo tôi, cần qui định trách nhiệm rõ ràng của Hội đồng Hiến pháp.
Ngoài ra, ĐB Phạm Bình Minh cũng tham gia một số về ngôn ngữ diễn đạt và kỹ thuật văn bản.
Liên kết website
Ý kiến ()