Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:43 (GMT +7)
“Nhiều nội dung tham gia của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh được Quốc hội tiếp thu, đánh giá cao”
Thứ 2, 24/06/2013 | 05:48:25 [GMT +7] A A
(Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh trả lời phỏng vấn Báo Quảng Ninh)
Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh (thứ 4, trái sang) kiểm tra thực tế công tác đầu tư xây dựng cơ bản tại TP Móng Cái. Ảnh: Tuấn Hương |
- Được biết, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, hiệu quả. Đề nghị đồng chí cho biết một số hoạt động chủ yếu của Đoàn tại kỳ họp?
+ Tại kỳ họp, các đại biểu (ĐB) của Đoàn đã tập trung trí tuệ, tâm huyết và tích cực tham gia phát biểu ở tất cả các nội dung của kỳ họp, cả ở các phiên họp Đoàn, phiên thảo luận tổ và các phiên họp toàn thể tại hội trường. Để thực hiện tốt chương trình kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có sự chuẩn bị rất kỹ theo các nội dung mà Quốc hội dự kiến thảo luận và thông qua. Cụ thể như đối với công tác xây dựng luật, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị tham vấn và lấy ý kiến tham gia bằng văn bản của các ngành, các chuyên gia vào 18/18 dự án luật, đồng thời Đoàn đã phân công nghiên cứu luật cho các ĐB tham gia vào các dự án luật tại tổ và tại hội trường. Trường hợp nếu không có đủ thời gian để phát biểu ở tổ và hội trường, Đoàn đều có bản tổng hợp, bài tham luận để gửi Quốc hội theo quy định. Tại kỳ họp, Đoàn đã có 51 lượt ĐB phát biểu (21 bài tham gia thảo luận tại hội trường, 30 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ). Các ý kiến tham gia với tâm huyết và trách nhiệm cao, có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng; nhiều ý kiến được Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao và đồng tình tiếp thu. Ví dụ: Tham gia sửa đổi Hiến pháp 1992, đề cập tới chương Chính quyền địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề nghị cần bổ sung vào Khoản 1, Điều 115 của Dự thảo về quy định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cần thiết phải có một điều khoản để hiến định phân biệt rõ ràng về chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, đồng thời có quy định về tổ chức chính quyền của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính ở hải đảo làm cơ sở cho luật định về thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương phù hợp với yêu cầu mới. Cùng nội dung này, tham gia vào chương trình xây dựng luật, ĐB Vũ Chí Thực cũng đề nghị Quốc hội cần thiết phải xem xét bổ sung dự án luật về tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể là sửa đổi, bổ sung dự luật về Luật HĐND và UBND. Kết luận nội dung này, Quốc hội đã thống nhất bổ sung Luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khoá XIII, tạo điều kiện thuận lợi cho Quảng Ninh trong việc xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái”...
Bên cạnh đó, để thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi) tới đây, cá nhân tôi cũng đề nghị cần bổ sung một điều khoản vào Chương X “Chế độ sử dụng các loại đất” đối với Khu hành chính - kinh tế đặc biệt để có thể quy định chủ thể, trách nhiệm quản lý, thời hạn sử dụng, quyền, lợi ích trong sử dụng đất, cơ chế tài chính, chính sách điều tiết... để thu hút đầu tư và tạo cơ chế cạnh tranh, phát triển và một số nội dung khác còn bất cập trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, là nguyên nhân phát sinh các khiếu kiện về đất đai cũng như làm giảm hiệu quả trong sử dụng đất... Đó là một trong rất nhiều nội dung đã được các ĐB trong Đoàn ĐBQH tỉnh nghiên cứu, tham gia, có chất lượng được Quốc hội tiếp thu, đánh giá cao.
Đặc biệt là, với trách nhiệm trước nhân dân, các đồng chí Trưởng, Phó Đoàn ĐBQH tỉnh đã chất vấn 3 nội dung về việc xử lý các vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ và tham nhũng chưa tốt; những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà; trong hoạt động xét xử các bản án có kháng nghị phải giám đốc thẩm, có sự khác biệt khá lớn về quyết định, tỷ lệ án phúc thẩm bị cải, sửa, huỷ qua giám đốc thẩm còn cao (đối với Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hoà Bình). Tình hình xây dựng NTM hiện nay đang quá tập trung vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng, chưa chú trọng đến việc giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, trong khi đây mới thực sự là vấn đề bản chất giúp người dân xoá đói, giảm nghèo; các giải pháp thực hiện trong thời gian tới để đạt được mục tiêu xây dựng NTM (đối với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát). Việc giải quyết lao động dôi dư trong tình hình các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động gia tăng hiện nay; các giải pháp về tổ chức phân công và triển khai thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước để khắc phục các tồn tại, triển khai có hiệu quả Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ (đối với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền). Ngoài ra, Đoàn đã có một số nội dung chất vấn khác bằng văn bản gửi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL. Những nội dung Đoàn tham gia chất vấn được cho là những câu hỏi “nóng”, phản ánh được những băn khoăn, mong muốn của nhân dân về sự lãnh đạo, quản lý của các bộ, ngành trung ương để nâng cao hiệu quả quản lý ngành.
Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh thông qua nhiều hình thức phù hợp đã chuyển tải đến Quốc hội những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đông đảo cử tri tỉnh Quảng Ninh. Để tranh thủ sự ủng hộ của các ĐBQH và cơ quan trung ương với các vấn đề lớn tỉnh đang quan tâm triển khai, Đoàn đã tích cực cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tổ chức nhiều hội nghị báo cáo với Hội đồng Dân tộc và 9 uỷ ban của Quốc hội; các ĐBQH hiện đang làm việc trong các đơn vị LLVT, 15 đoàn ĐBQH các tỉnh bạn, Văn phòng Quốc hội; Ban Công tác đại biểu; Ban Dân nguyện; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, đồng thời gặp gỡ với các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, hiện đang công tác và nghỉ hưu tại Hà Nội. Hầu hết các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp đều được các phương tiện thông tin truyền thông của tỉnh đăng tải đầy đủ như: Báo Quảng Ninh, Đài PT-TH tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và của trung ương, nhất là Đài Tiếng nói Việt Nam, kênh truyền hình VTC, TTX Việt Nam, Báo Người đại biểu nhân dân...
Với tinh thần và trách nhiệm cao, mỗi ĐB của Đoàn đều đem hết tâm huyết của mình để gửi tới Quốc hội trong từng ý kiến thảo luận tại tổ, từng bài tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường. Đặc biệt là việc chuyển tải các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri trong toàn tỉnh tới kỳ họp; đóng góp nhiều ý kiến quan trọng với Quốc hội và Chính phủ trong việc xây dựng các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như trong công tác xây dựng pháp luật. Những kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh nêu trên đã đóng góp một phần quan trọng vào thành công của kỳ họp Quốc hội.
Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trả lời phỏng vấn báo chí tại hành lang kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII. |
- Đông đảo cử tri trong tỉnh rất quan tâm đến kết quả giải quyết kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH. Đồng chí có thể cho biết nội dung này tại kỳ họp?
+ Thông thường trước kỳ họp, các ĐB đều tổ chức tiếp xúc cử tri để thông báo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri gửi tới kỳ họp. Trên cơ sở đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Nhìn chung các kiến nghị của cử tri đã được Ban Dân nguyện chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, trả lời bằng văn bản và giám sát việc giải quyết. Tại kỳ họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII; chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Với cách làm quyết liệt đó, cơ bản các kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp đều được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, xem xét, giải quyết, trả lời bằng văn bản gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh để báo cáo cử tri. Điển hình như từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII, Đoàn ĐBQH tỉnh đã gửi 72 ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành. Các kiến nghị tập trung chủ yếu về phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, đất đai, môi trường, lao động, việc làm, các chế độ, chính sách đảm bảo an sinh xã hội, phòng chống tham nhũng, bảo đảm quốc phòng - an ninh, TTXH… của đất nước và của địa phương. Trong số đó đã có 50 kiến nghị được trả lời, trong đó có 35 kiến nghị đã tiếp thu và giải quyết, 13 kiến nghị đã tiếp thu và đang giải quyết. Đáng chú ý trong số các kiến nghị gửi tới kỳ họp thứ 4, nhiều kiến nghị được đông đảo cử tri quan tâm đã được giải quyết như: Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho hoạt động tạm nhập tái xuất ở khu vực biên giới, cửa khẩu; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động; chính sách về thuế, tín dụng; chính sách kích cầu tiêu thụ sản phẩm; chính sách hỗ trợ người lao động giải quyết việc làm...
Đối với kỳ họp thứ 5 này, trước khi diễn ra kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp tất cả các ý kiến kiến nghị của cử tri và tổ chức họp Đoàn cùng với UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan của tỉnh để thống nhất các nội dung kiến nghị của cử tri trong toàn tỉnh gửi tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII. Đoàn đã chuyển tải toàn bộ ý kiến của cử tri tỉnh nhà tới Quốc hội (Văn bản số 163/BC-ĐĐBQH ngày 15-5-2013). Các ý kiến của cử tri trên sẽ được Ban Dân nguyện Quốc hội tổng hợp, giao cho các cơ quan liên quan nghiên cứu, giải quyết, trả lời bằng văn bản và báo cáo tại kỳ họp tới.
- Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ triển khai những nội dung gì để tinh thần của kỳ họp được chuyển tải đến đông đảo cử tri trong tỉnh, thưa đồng chí?
+ Ngay sau khi kết thúc kỳ họp, bắt đầu từ ngày 24-6-2013 đến ngày 5-7-2013 các ĐBQH tỉnh sẽ tiến hành tiếp xúc cử tri tại các địa phương để báo cáo kết quả kỳ họp theo quy định. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ báo cáo với cử tri về tổng quan kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII như: Công tác xây dựng luật; vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác được Quốc hội xem xét, thảo luận, thông qua. Đoàn sẽ chú trọng đến nội dung liên quan đến sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân, đó là cho ý kiến về sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự án Luật Đất đai sửa đổi; Luật Tiếp công dân; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Đấu thầu... Đồng thời, thông báo đến cử tri kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII, công tác chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Đặc biệt, phản ánh kết quả công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn (vì đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện nhiệm vụ này).
Mặt khác, thông qua hình thức đổi mới tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục lắng nghe những tâm tư, nhận định, đánh giá của cử tri về kết quả kỳ họp của Quốc hội nói chung, về hoạt động của Đoàn nói riêng. Từ đó ĐB sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hình thức, phương thức hoạt động để mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.
Quang Minh (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()