Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 16:48 (GMT +7)
Tâm huyết, trách nhiệm cao trước cử tri
Thứ 2, 24/06/2013 | 16:05:04 [GMT +7] A A
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII diễn ra từ ngày 20-5 đến ngày 21-6-2013. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước; thảo luận, biểu quyết thông qua 8 Nghị quyết, 9 Dự án Luật, xem xét cho ý kiến 9 Dự án Luật.
Ngoài ra, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp, xem xét báo cáo của Chính phủ về kết quả việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp trước; tiến hành chất vấn 4 Bộ, ngành. Đặc biệt, tại kỳ họp này lần đầu tiên, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Như vậy, sau 1 tháng làm việc, kỳ họp thứ 5, QH khóa XIII đã thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm chú ý theo dõi của đông đảo cử tri trong cả nước. Góp phần vào thành công ấy, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã tích cực tham gia các hoạt động tại kỳ họp với sự tâm huyết và trách nhiệm cao trước cử tri tỉnh nhà.
Các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh tích cực tham gia phát biểu thảo luận tại tổ và tại hội trường. |
Các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tập trung trí tuệ tham gia tích cực vào công tác xây dựng luật, chuyển tải được những tâm tư nguyện vọng của cử tri trong tỉnh mong muốn gửi tới kỳ họp, cơ bản hoàn thành những nội dung của Đoàn theo Chương trình đã đặt ra tại kỳ họp. Hầu hết các ý kiến tham gia đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự đầu tư nghiên cứu, thể hiện sự tâm huyết và trách nhiệm cao. Đặc biệt, đối với các dự án luật quan trọng, liên quan đến hệ thống pháp lý, cuộc sống của nhiều tầng lớp nhân dân như: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Luật Đất đai sửa đổi, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,...các đại biểu Quốc hội của Đoàn đã tập trung dành nhiều thời gian để nghiên cứu tham gia phát biểu ý kiến tại tổ và tại hội trường.
Trước kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức được 5 hội nghị tham vấn và lấy ý kiến tham gia bằng văn bản của các ngành, các chuyên gia cho 18/18 dự án luật; phân công nghiên cứu luật cho các đại biểu để tham gia vào các dự án Luật tại tổ và tại hội trường. Trường hợp nếu không có đủ thời gian để phát biểu ở tổ và hội trường, Đại biểu của Đoàn đều có bản tổng hợp, bài tham luận gửi Quốc hội theo quy định. Trong kỳ họp này, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đăng ký tham gia phát biểu 52 lượt ý kiến tại các buổi thảo luận tổ và hội trường. Tại các phiên thảo luận ở Hội trường đã có 17 bài phát biểu tham luận trực tiếp (và 05 bài đại biểu đăng ký nhưng do thời gian có hạn nên đại biểu đã gửi văn bản tham gia góp ý đến Ủy ban TVQH). Như vậy, tất cả các đại biểu của Đoàn đều tham gia phát biểu ý kiến, có đại biểu có tới 5 bài phát biểu. Ở các phiên thảo luận tổ đã có 30 lượt ý kiến tham gia, hầu hết các ĐBQH tỉnh đều có từ 4-5 ý kiến phát biểu, riêng đồng chí Trưởng đoàn có tới 7 ý kiến tham gia thảo luận. Đáng chú ý có những phiên thảo luận tổ, số ý kiến phát biểu của ĐBQH tỉnh Quảng Ninh chiếm tới 50% tổng số ý kiến phát biểu của phiên thảo luận. Với sự tham gia tâm huyết của các đại biểu, nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu tỉnh đã nhận được sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội ở các đoàn khác, được Quốc hội đánh giá cao và đồng tình tiếp thu.
Trong số đó, đáng chú ý, tham gia phát biểu ý kiến về Dự án sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (ở tổ và ở hội trường) tại kỳ họp lần này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 5 ý kiến phát biểu. Trong đó, bài phát biểu của đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề nghị cần bổ sung vào Khoản 1, Điều 115 của Dự thảo Hiến pháp (chương Chính quyền địa phương) về quy định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cần thiết phải có một điều khoản Hiến định phân biệt rõ ràng về chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, đồng thời có quy định về tổ chức chính quyền của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính ở hải đảo làm cơ sở cho luật định về thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương phù hợp với yêu cầu mới. Cũng liên quan đến Điều 115 về chính quyền địa phương, đại biểu Đỗ Thị Hoàng đề nghị bổ sung khoản 7 Điều 79 về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: quyết định thành lập mới, giải thể đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính ở hải đảo thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở này, sẽ là tiền đề cho tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị tại Thông báo số 108 –TB/TW ngày 01/10/2012 về Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và thí điểm xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu đặc biệt Móng Cái tỉnh Quảng Ninh”. Liên quan đến vấn đề này, tham gia vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2014, đại biểu Vũ Chí Thực, Đoàn Quảng Ninh cũng đề nghị Quốc hội cần thiết phải xem xét bổ sung dự án luật về tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể là sửa đổi, bổ sung dự luật về Luật HĐND và UBND. Đại biểu cũng cho rằng, cần thiết đưa vào Chương trình xây dựng luật năm 2013 và 2014 để thông qua là luật về đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt. Được biết, Quốc hội đã thống nhất bổ sung Luật về đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa XIII, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng và triển khai Đề án “thí điểm xây dựng Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái”.
Cùng với việc tham gia về Dự thảo Hiến pháp năm 1992, các đại biểu của Đoàn đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu Đỗ Thị Hoàng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị cần bổ sung một Điều khoản vào Chương X "chế độ sử dụng các loại đất" đối với Khu hành chính-kinh tế đặc biệt để có thể quy định chủ thể, trách nhiệm quản lý, thời hạn sử dụng, quyền, lợi ích trong sử dụng đất, cơ chế tài chính, chính sách điều tiết... để thu hút đầu tư và tạo cơ chế cạnh tranh, phát triển. Đồng thời, từ tình hình thực tế của Quảng Ninh, đại biểu đề nghị bổ sung thêm hai khoản về Thu hồi đất do chấm dứt sử dụng đất trong các trường hợp: do thiên tai, địch hoạ, rủi ro huỷ hoại đất và do các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế được giao đất sử dụng kém hiệu quả vì trong thực tế có rất nhiều cá nhân, công ty lâm trường, doanh nghiệp có tình trạng thu gom, tích tụ đất, nhất là đất nông nghiệp, sau khi được giao đất hoạt động cầm chừng, chờ thời để đầu cơ vụ lợi, trong khi rất nhiều người dân trong vùng, nhất là đồng bào dân tộc, miền núi đời sống gắn liền với núi non lại không có đất để sản xuất, cần thiết phải có giải pháp tháo gỡ. Đây là những bất cập đang diễn ra trên thực tế, làm giảm hiệu quả trong sử dụng đất... Có thể thấy, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là đối với các dự án luật liên quan nhiều đến người dân, thu hút sự quan tâm theo dõi của người dân, với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, các đại biểu tỉnh Quảng Ninh đã tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện hệ thống luật, để luật đi vào cuộc sống một cách thiết thực, đảm bảo quyền lợi cho người dân, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước nói chung, của địa phương nói riêng. Đó là một trong những nội dung đã được các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, tham gia, có chất lượng được Quốc hội tiếp thu, đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh còn tích cực trong hoạt động chất vấn. Các đồng chí Trưởng, Phó Đoàn ĐBQH tỉnh đã chất vấn 3 nội dung về những bất cập trong việc xử lý các vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ và tham nhũng; giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; tỷ lệ án phúc thẩm bị cải, sửa, hủy qua giám đốc thẩm còn cao (đối với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình). Những bất cập trong triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới; các giải pháp thực hiện trong thời gian tới để đạt được mục tiêu xây dựng nông thôn mới (đối với Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát). Việc giải quyết lao động dôi dư trong tình hình các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động gia tăng hiện nay; Các giải pháp triển khai có hiệu quả Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn (đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền). Ngoài ra, Đoàn đã có một số nội dung chất vấn khác bằng văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Những nội dung Đoàn tham gia chất vấn được cho là những câu hỏi “nóng” phản ánh được những băn khoăn, mong muốn của nhân dân về sự lãnh đạo, quản lý của các Bộ, Ngành để nâng cao hiệu quả quản lý ngành. Các nội dung mà đại biểu nêu ra đều được các Bộ trưởng tiếp thu, giải trình, đưa ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Ngoài ra, Đoàn ĐBQH bằng nhiều hình thức phù hợp đã chuyển tải đến Quốc hội những tâm tư nguyện vọng chính đáng của đông đảo cử tri tỉnh Quảng Ninh, điển hình như: kiến nghị của cử tri ngành than, đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định các cơ chế về giá, về thuế xuất khẩu, về thuế thu nhập nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành than; kiến nghị quan tâm xem xét các cơ chế để hỗ trợ Quảng Ninh sớm triển khai được các công trình hạ tầng động lực, nhất là tuyến giao thông chiến lược nối giữa Thành phố Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, góp phần phá thế độc đạo của tuyến giao thông về một miền Di sản thiên nhiên thế giới, Kỳ quan thiên nhiên của thế giới-vịnh Hạ Long; chung tay đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô, hòn đảo ở phía Đông Bắc Tổ quốc-nơi duy nhất, sinh thời người về thăm và cho dựng tượng, để góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần nhân dân vùng hải đảo, đồng thời góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước...
Như vậy, có thể thấy với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân cả nước nói chung và nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói riêng, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã tập trung trí tuệ tham gia tích cực, tâm huyết về các nội dung của kỳ họp tại các buổi thảo luận tại tổ, hội trường và các phiên chất vấn...Đồng thời chuyển tải tích cực các ý kiến, kiến nghị của cử tri toàn tỉnh gửi gắm tới kỳ họp, được Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao. Qua đó, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng với Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như trong công tác xây dựng pháp luật, góp phần quan trọng vào thành công của kỳ họp./.
Ngân - Hà (VP. Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()