Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 00:40 (GMT +7)
Đại biểu Quốc hội lo ngại giá xăng tăng ảnh hưởng đến lạm phát
Thứ 2, 23/05/2022 | 21:59:23 [GMT +7] A A
Các đại biểu nhận định, thực tế khi giá xăng dầu vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, có những ngành hàng, mặt hàng chịu áp lực đẩy của giá xăng dầu, nhưng cũng có mặt hàng tăng giá kiểu “té nước theo mưa.”
Chiều 23/5 là kỳ tăng giá thứ ba liên tiếp của giá xăng dầu kể từ cuối tháng Tư. Trước tình hình này, bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV các đại biểu lo ngại giá xăng tăng ảnh hưởng đến lạm phát và có chia sẻ về giải pháp kiểm soát giá xăng dầu.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau): Giảm thuế chưa bù đắp được tỷ lệ tăng giá
Giá xăng dầu tăng thời gian này do nhiều nguyên nhân; trong đó, có nguyên nhân do căng thẳng giữa Nga và Ukraine dẫn tới biến động địa chính trị toàn cầu, đứt gãy nguồn ứng.
Về bản chất, nguồn cung xăng dầu không phải khan hiếm nhưng do bị đứt gãy nên trong một giai đoạn nhất định hàng hóa không chuyển tiếp tới người tiêu dùng, từ đó giá bị đẩy lên cao.
Để kiểm soát giá xăng dầu, Chính phủ đã sử dụng những công cụ như giảm tới 50% mức thu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel và sử dụng quỹ bình ổn. Những công cụ dự trữ về dư địa chính sách đã được áp dụng. Tuy nhiên, mức giá xăng dầu giảm không đáng kể, bởi việc giảm không bù đắp lại tỷ lệ phần trăm tăng giá.
Mặc dù báo cáo của Chính phủ cho thấy, bức tranh kinh tế hơn 4 tháng qua có triển vọng tốt, với hầu hết các lĩnh vực đều tăng trưởng. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái nên cần hết sức lưu ý về tính bền vững trong tăng trưởng, khi diễn biến của chỉ số này có thể còn phức tạp.
Hiện, các chuyên gia kinh tế có ý kiến lo ngại việc tăng giá xăng dầu có thể dẫn tới lạm phát.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh): Khó để hạ nhiệt giá xăng dầu
Việc giá xăng dầu liên tiếp tăng có tác động rất lớn đến mọi mặt, đặc biệt là vấn đề lạm phát. Chưa thể trả lời liệu có thể kiềm chế được lạm phát dưới mức 4% như mục tiêu đề ra hay không với mức tăng như hiện nay. Tuy nhiên, khó để hạ nhiệt giá xăng dầu, bởi còn phụ thuộc vào cơ chế thị trường.
Về phía Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã nỗ lực và cố gắng tìm mọi cách để khắc phục, song cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa. Nếu không cố gắng hạ nhiệt giá xăng dầu thì sẽ phải xử lý hàng loạt các vấn đề khác liên quan đến lạm phát, bội chi ngân sách, giá cả và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Thực tế, khi giá xăng dầu vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, có những ngành hàng, mặt hàng chịu áp lực đẩy của giá xăng dầu, nhưng cũng có mặt hàng tăng giá kiểu “té nước theo mưa.”
Vậy nên, bên cạnh việc có giải pháp để hạ nhiệt giá xăng dầu cần tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá, sàng lọc những tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh lợi dụng để kinh doanh, tăng giá xăng dầu./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()