Tối 10.6, ngay sau khi danh sách trúng cử ĐBQH khóa XV được công bố, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ĐB Quàng Thị Nguyệt cho biết:
“Tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì đã được cử tri tin tưởng bầu tôi là ĐBQH. Đồng thời, tôi cũng bắt đầu cảm thấy lo lắng vì trách nhiệm phía trước rất nặng nề đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân nên áp lực rất lớn trong khi tôi còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm”...
Bà Nguyệt cũng chia sẻ: “Vì tôi là nữ, lại là người dân tộc thiểu số nên tôi sẽ phải nỗ lực để vừa lắng nghe đầy đủ những tâm tư nguyện vọng của cử tri và vừa truyền tải một cách đầy đủ nhất đến Quốc hội. Cùng với đó, tôi sẽ phải luôn cố gắng học hỏi, trau dồi bản thân và sắp xếp công việc gia đình để tham gia đầy đủ các kỳ họp hay các buổi tiếp xúc cử tri”.
Được biết, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, bà Quàng Thị Nguyệt thi đỗ vào Học viện Phụ nữ Việt Nam và được gia đình tạo điều kiện cho đi học.
Sau 4 năm bà Nguyệt tốt nghiệp ra trường với tấm bằng cử nhân, chuyên ngành Công tác xã hội.
Trong cuộc Bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp vừa qua, bà Quàng Thị Nguyệt tham gia ứng cử ĐBQH tại đơn vị bầu cử số 1, tỉnh Điện Biên và đã trúng cử với 150.131 phiếu, đạt tỷ lệ 77,26% số phiếu hợp lệ.
Những người trúng cử ĐBQH tại đơn vị bầu cử số 1, tỉnh Điện Biên còn có: Ông Nguyễn Tiến Thiện (Thượng tọa Thích Đức Thiện) được 180.832 phiếu, đạt tỷ lệ 93,06% số phiếu hợp lệ; Ông Nguyễn Văn Thắng được 177.569 phiếu, đạt tỷ lệ 91,38% số phiếu hợp lệ.
Có thể thấy, khi quyết định ứng cử ĐBQH, “cô gái trẻ” ở một bản nghèo vùng biên giới có trình độ và nhiệt huyết đã sớm chọn cho mình một hướng đi nhiều khó khăn và thử thách.
Nhất là giờ đây, với vai trò là một ĐBQH, trách nhiệm lại khó khăn hơn gấp bội phần.
Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội lớn nữ ĐB người dân tộc Khơ Mú phấn đấu trở thành một “hạt nhân” triển vọng góp phần quan trọng cho sự phát triển, đổi thay của đời sống của đồng bào vùng cao, biên giới.
Ý kiến ()