Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:00 (GMT +7)
Đại biểu Trần Văn Minh đóng góp vào Dự thảo Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai
Thứ 6, 07/06/2013 | 11:29:09 [GMT +7] A A
Sáng 6-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe báo cáo của UBTV Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Phòng, tránh giảm và nhẹ thiên tai và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Tại buổi làm việc đã có 27 ĐBQH phát biểu, tập trung thảo luận các nội dung: Tên gọi, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật; nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai; chính sách của Nhà nước, đầu tư tài chính và nguồn lực cho phòng, chống thiên tai; nhân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai; trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai.
Tham gia phát biểu thảo luận, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Trần Văn Minh đánh giá Dự thảo Luật lần này đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và được bổ sung, chỉnh sửa khá công phu, đảm bảo các điều kiện để thông qua tại kỳ họp thứ 5. Đồng thời, đại biểu Trần Văn Minh đóng góp một số ý kiến vào Dự thảo Luật.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Trần Văn Minh đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng, tránh giảm và nhẹ thiên tai. |
Thứ nhất, về nguồn tài chính cho hoạt động phòng, chống thiên tai, đại biểu nhất trí là ngoài nguồn ngân sách nhà nước, cần phải có thêm Quỹ phòng, chống thiên tai được (quy định tại Điều 10) và nguồn đóng góp tự nguyện (quy định tại Điều 11), vì thiên tai thường gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, nên cần có sự chung tay góp sức của cả xã hội, thậm chí của cả cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, về Quỹ phòng, chống thiên tai (Điều 10), đề nghị xem xét bỏ nội dung "hỗ trợ tu sửa nhà, bệnh viện, trường học" (Tiết b, Khoản 3). Vì thực tế Quỹ thu được hàng năm khá nhỏ, như Quảng Ninh chỉ thu được khoảng hơn 2,2 tỷ đồng. Do đó, Quỹ nên ưu tiên hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng bị thiệt hại do thiên tai gây ra như: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh... (quy định tại Tiết a, Khoản 3) và cho xử lý bảo vệ môi trường (quy định tại Tiết c, Khoản 3). Còn việc tu sửa nhà ở, bệnh viện, trường học đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, nên để ngân sách nhà nước đảm nhiệm. Như vậy, việc sử dụng Quỹ sẽ tránh bị dàn trải, có hiệu quả hơn và việc quản lý Quỹ cũng giảm bớt các nội dung phức tạp không cần thiết.
Về nguồn đóng góp tự nguyện cho phòng, chống thiên tai (Điều 11), tại Khoản 2 quy định “việc phân bổ, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện quy định tại khoản 1 điều này”, tức là cả phần hỗ “trợ trực tiếp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai” cũng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về quỹ xã hội, quỹ từ thiện và có sự thống nhất của chính quyền địa phương nơi có đối tượng được hỗ trợ; nghĩa là khoản đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai gây ra cũng phải được sự thống nhất của chính quyền địa phương. Điều này là không phù hợp. Đề nghị bổ sung vào cuối Khoản 2 nội dung là “trừ trường hợp hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai gây ra thì do hai bên hỗ trợ và được hỗ trợ tự thỏa thuận”.
Thứ hai, về việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội (Điều 16), Dự thảo Luật mới chỉ quy định việc lồng ghép ở các bộ, ngành, địa phương. Đề nghị cần phải quy định việc lồng ghép ở cả cấp quốc gia. Đây là nội dung hết sức quan trọng vì nó là cơ sở pháp lý và cân đối nguồn lực quốc gia cho việc lồng ghép ở cấp bộ, ngành, địa phương. Mặt khác, có như vậy mới đảm bảo tính logic, có hệ thống với Điều 13, Khoản 2 quy định nội dung lồng ghép được thực hiện ở tất cả các cấp, Điều 14 quy định về xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai cấp quốc gia và Điều 15 quy định về xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp địa phương, cấp bộ và cấp quốc gia.
Thứ ba, về phương án ứng phó thiên tai (Điều 22), tại Tiết c, Khoản 4 quy định: "Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai. Đồng thời chuyển phương án ứng phó cho UBND cấp tỉnh có liên quan để phối hợp thực hiện". Quy định như vậy là chưa đầy đủ. Đề nghị phương án ứng phó cần phải được gửi thêm cả về Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, để theo dõi và chỉ đạo thực hiện. Điều này hết sức cần thiết vì thiên tai thường xảy ra trên diện rộng ở nhiều tỉnh nên rất cần sự chỉ đạo của các cơ quan T.Ư để có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các bộ, ngành và các địa phương có liên quan.
Thứ tư, về trách nhiệm của UBND các cấp (Điều 42), đề nghị bổ sung Khoản 2 là trách nhiệm của UBND cấp xã quy định về việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để đảm bảo các biện pháp và nguồn lực trong phòng, chống thiên tai ở địa phương hiện nay; đồng thời cũng để thống nhất với các quy định tại Tiết a, Khoản 3, Điều 16.
Thứ năm, về cơ quan chỉ đạo chỉ huy phòng, chống thiên (Điều 43), Khoản 4 của Dự thảo mới chỉ đề cập Chính phủ quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, các ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp; còn thiếu quy định về ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai ở các bộ, cơ quan ngang bộ. Đề nghị cần được bổ sung thêm nội dung này để thuận lợi cho tổ chức thực hiện.
Đại biểu Trần Văn Minh cũng tham gia ý kiến một số nội dung cụ thể về mặt kỹ thuật lập pháp và kỹ thuật văn bản đối với dự thảo Luật.
Nguyễn Mai (Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()