Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:24 (GMT +7)
Đại biểu Trần Văn Minh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào Luật KH&CN sửa đổi
Thứ 2, 27/05/2013 | 09:45:25 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp lần thứ 4, tôi và nhiều ĐBQH đã có những trao đổi về quan điểm đối với nhiều nội dung của dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) (sửa đổi); trong đó có việc tạo thuận lợi cho phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN); tăng vốn đầu tư cho KH&CN, nhất là việc đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho KH&CN; tháo gỡ các “điểm nghẽn” về cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN; đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ …
Ý kiến tham gia của các ĐBQH đã được các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý. Tôi cơ bản đồng tình với với các nội dung của bản Dự thảo Luật được trình tại kỳ họp thứ 5 và đề nghị Quốc hội thông qua để sớm tạo điều kiện cho KH&CN nước nhà tiếp tục phát triển, thực sự là động lực cho quá trình CNH-HĐH, tạo tiền đề cho sự hình thành và phát triển kinh tế tri thức ở nước ta. Tuy nhiên, để dự thảo luật được hoàn thiện hơn trước khi ban hành, tôi xin tham gia góp ý một số nội dung cụ thể như sau:
Đại biểu Trần Văn Minh phát biểu tham gia ý kiến vào Luật KH&CN sửa đổi. |
Trước hết là về tổ chức KH&CN. Tại Điều 10, Khoản 1 quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN là không hợp lí, vì tổ chức KH&CN theo Điều 9, Khoản 2, Tiết c gồm tổ chức KH&CN công lập, tổ chức KH&CN ngoài công lập, tổ chức KH&CN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo tôi, Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập để hoạch định và quản lí các tổ chức KH&CN do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập và sử dụng Ngân sách nhà nước trong quá trình hoạt động. Các tổ chức KH&CN còn lại do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tự quyết định thành lập phục vụ mục tiêu hoạt động của mình khi đáp ứng được các quy định tại Điều 11 (Quy định điều kiện thành lập, đăng kí hoạt động của tổ chức KH&CN) mà không phụ thuộc vào phê duyệt quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy sẽ tránh được việc ban hành quy định không có hiệu lực thi hành, lại còn thiếu thống nhất giữa các điều với nhau trong cùng một văn bản luật, khó trong tổ chức thực hiện và không thuận với quan điểm đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho KH&CN.
Thứ 2 là về cá nhân hoạt động KH&CN. Điều 19 (Chức danh khoa học, chức danh công nghệ), Khoản 3 về chức danh công nghệ không rõ, đề nghị nghiên cứu quy định cho rõ chức danh này để logic với chức danh khoa học đã được quy định rõ và cũng là để phù hợp với tiêu đề của Điều này, quan trọng hơn là để rõ ràng và thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, cũng cần bổ sung chức danh công nghệ trong việc xem xét bổ nhiệm được quy định ở Khoản 2; bỏ khổ thứ hai của Khoản 1 về việc xem xét bổ nhiệm Giáo sư, Phó giáo sư cho các cá nhân hoạt động KH&CN tham gia giảng dạy đại học, sau đại học vì nội dung này đã được quy định tại luật giáo dục đại học. Điều 23 (Sử dụng nhân lực, trọng dụng nhân tài KH&CN). Theo tôi, các nhà khoa học đầu ngành là nguồn lực “chất xám” hết sức quý báu nhưng không nhiều của đất nước. Kì họp lần thứ 4, tôi đã đề nghị cần có quy định các chế độ ưu đãi đặc biệt cho đối tượng này để các nhà khoa học đầu ngành yên tâm cống hiến và cũng là để động viên cho các đối tượng khác phấn đấu noi theo. Dự thảo lần này đã tiếp thu, chỉnh sửa, quy định nhiều chế độ ưu đãi cho các nhà khoa học đầu ngành trong hoạt động KH&CN và được hưởng mức phụ cấp ưu đãi đặc biệt theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, theo tôi cũng cần quan tâm thêm về điều kiện sống như về nhà ở cho các nhà khoa học đầu ngành. Điều này cũng là tương xứng với các ưu đãi cho các cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được quy định ở Điều 24. Với lí do đó, tôi đề nghị bổ sung, sửa đổi tiết đ, Khoản 2 là “Được hưởng ưu đãi về nhà ở và mức phụ cấp ưu đãi đặc biệt theo quy định của Chính phủ”. Tôi đề nghị Quốc hội xem xét và ủng hộ đề nghị này.
Cuối cùng là về đầu tư tài chính phục vụ phát triển KH&CN. Điều 53 quy định kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN được cấp thông qua quỹ phát triển KH&CN của Nhà nước hoặc chuyển vào tài khoản tiền gửi của cơ quan chủ trì nhiệm vụ KH&CN tại Kho bạc Nhà nước; được cấp kịp thời, phù hợp tiến độ và quyết toán khi kết thúc hợp đồng, không phụ thuộc vào năm tài chính, là một tiến bộ vượt bậc, tháo gỡ được điểm nghẽn về quản lí tài chính trong hoạt động KH&CN bấy lâu nay. Tuy nhiên, Khoản 3 quy định việc sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN được thực hiện theo lệnh chi của cơ quan chủ trì nhiệm vụ KH&CN chỉ khả thi với nguồn kinh phí được chuyển vào tài khoản tiền gửi của cơ quan chủ trì, không phù hợp đối với nguồn kinh phí được cấp thông qua quỹ phát triển KH&CN của Nhà nước. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, hoàn chỉnh thêm về quy định này cho phù hợp và đúng với các quy định hiện hành. Ở Điều 54, tôi nhất trí cần phải có cơ chế đầu tư đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ KH&CN đặc biệt. Tuy nhiên, để đảm bảo tính rõ ràng, chặt chẽ của văn bản luật và các quy định pháp luật khác, cần phải quy định rõ như thế nào thì vượt thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, phải trình Quốc hội xem xét, quyết định. Quy định này phải được Quốc hội quyết định khi thông qua dự thảo luật chứ không phải do Thủ tướng quyết định sau này.Ở Điều 55, Khoản 1, tôi đề nghị sửa lại là: “Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho KH&CN”, bỏ đoạn “nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm”. Vì quy định như vậy sẽ giới hạn ở mục tiêu hẹp trong khi cần phải thực hiện xã hội hóa hoạt động KH&CN về mọi mặt như trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực KH&CN; xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật để phát triển năng lực KH&CN…Điều 57 (Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ) và Điều 58 ( Phát triển doanh nghiệp KH&CN) thì theo tôi quy định ở Khoản 1 Điều 57 (Ngoài các ưu đãi quy định tại Khoản 3 Điều 58…) là quy định ngược vì doanh nghiệp KH&CN là loại doanh nghiệp đặc thù, ngoài việc được hưởng các ưu đãi chung còn có các ưu đãi riêng phù hợp với tính đặc thù cần được phát triển. Do vậy Khoản 1, Điều 57 cần bỏ nội dung này và bổ sung, sửa đổi Khoản 3, Điều 58 thành: “Doanh nghiệp KH&CN được hưởng các ưu đãi được quy định tại Điều 57 và được hưởng thêm các ưu đãi sau đây:”. Và ở Điều 60, theo tôi, cần bổ sung thêm thẩm quyền Chính phủ thành lập Quỹ phát triển KH&CN quốc gia để luật hóa quy định này và cũng là để đảm bảo tính đồng bộ trong một văn bản luật khi ở Điều 61 quy định thẩm quyền của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Quỹ phát triển KH&CN của bộ, cơ quan, địa phương mình; Điều 62, 63 quy định thẩm quyền của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN của mình.
Ngoài ra, Dự thảo Luật còn khá nhiều tồn tại về kỹ thuật lập pháp, kỹ thuật văn bản, chính vì thế, tôi đề nghị Ban soạn thảo rà soát hoàn chỉnh.
PV
Liên kết website
Ý kiến ()