Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 16:24 (GMT +7)
Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam - con đường đi đến những thành tựu mới
Thứ 6, 15/01/2021 | 10:10:22 [GMT +7] A A
Tạp chí chính trị “Thế giới đa cực” của Nga ngày 12-1 đã đăng tải bài viết với tiêu đề trên của Tiến sĩ sử học Evgeny Kobelev, chuyên gia nghiên cứu khoa học cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Ông cũng là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu công phu về lịch sử, chính trị - xã hội Việt Nam.
Bài báo được đăng trên Tạp chí chính trị “Thế giới đa cực” của Nga. (Ảnh chụp màn hình) |
Ngay trước thềm sự kiện trọng đại của Việt Nam, Nhà Việt Nam học Kobelev nhấn mạnh ngay từ đầu bài viết rằng: Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra sau gần một năm kỷ niệm 90 năm thành lập. Và trong suốt 90 năm ấy, Đảng đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đạt biết bao thành tựu lịch sử vẻ vang.
Là đội quân tiên phong của người dân Việt Nam - Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ những ngày đầu hoạt động cho đến nay luôn thể hiện là một tổ chức không ngừng sáng tạo, với những quyết sách táo bạo, không theo những tiêu chuẩn sáo mòn, được kết tinh bởi sự đoàn kết toàn dân tộc.
Theo tác giả, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, không có đảng chính trị nào khác có thể đứng đầu và dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi. Vậy yếu tố nào đã làm nên thắng lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam? Nhà nghiên cứu cao cấp Kobelev cho rằng yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất làm nên những điều kỳ diệu đó chính là chiến lược của mặt trận dân tộc thống nhất ở từng giai đoạn cách mạng cụ thể.
Chiến lược này đã trở thành vũ khí lợi hại được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng một cách tài tình, linh hoạt, đưa dân tộc Việt Nam tới mọi bến bờ chiến thắng trước tất cả các thế lực thực dân, đế quốc. Và thành tựu nổi bật nhất chính là Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã kịp thời đề ra chính sách “Đổi mới”, đưa đất nước đến những thành quả đáng mừng như ngày nay.
Nhà nghiên cứu cao cấp Kobelev khẳng định “Đổi mới” là một đường lối chiến lược mới vì sự phát triển của xã hội, cho phép Việt Nam tránh được những biến động xã hội, như những cơn đại hồng thủy, giúp đất nước này thoát khỏi bờ vực thẳm của một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc và bảo đảm sự phát triển thành công của đất nước.
Nếu ở thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước, Liên Hợp Quốc liệt Việt Nam nằm trong số 25 nước nghèo nhất thế giới, thì chỉ sau đó một thập kỷ, vào giữa những năm 90, Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập nhóm các nước đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam đã đạt được những thay đổi căn bản và toàn diện, nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng và đang vươn lên với tốc độ khá nhanh. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang tự tin tiến lên. Cuộc sống của người dân được cải thiện. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, ổn định. Quốc phòng và an ninh đáng tin cậy. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng vững chắc.
Trong 25-30 năm qua, Việt Nam tự tin duy trì mức tăng trưởng kinh tế hàng năm luôn đạt 5% - 7%. Tác giả nhấn mạnh, năm 2020 vừa qua, Việt Nam càng có những lý do đáng để vui mừng, bởi trong đại dịch Covid-19, khi cả thế giới phải đương đầu biết bao khó khăn, khi mà tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hầu hết các quốc gia đều ở mức âm, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng dương, đạt tới 2,91%. Đây là con số thật đáng tự hào. Trong lĩnh vực y tế, những thành quả mà Việt Nam đạt được trong phòng chống đại dịch Covid-19 thật đáng thán phục.
Tác giả đồng thời khẳng định sự phát triển thành công của Việt Nam và nhờ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và các cơ quan chức năng Nhà nước, thông qua tất cả các kênh quan hệ song phương, đa phương, đã thúc đẩy và thực hiện thành công chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hóa. Đây là một chính sách đối ngoại có trách nhiệm, thực dụng, hiệu quả và sâu sắc.
Chính sách này của Việt Nam đã góp phần quan trọng duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền đất nước. Tác giả nhấn mạnh trong năm qua, Việt Nam đã được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ; Chủ tịch ASEAN; Việt Nam là thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế và khu vực, đã ký kết văn kiện với nhiều quốc gia về xây dựng quan hệ đối tác chiến lược dưới nhiều hình thức.
Bên cạnh những thành tựu đáng mừng, tác giả cũng đề cập việc Việt Nam xác định rất rõ ràng về những khó khăn và thách thức nghiêm trọng. Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam tuy đạt được những thành công rõ rệt, song vẫn còn tụt hậu trong khối các nước ASEAN; khoa học và công nghệ còn ở trình độ khá thấp, có nguy cơ tụt hậu, so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Sau cùng, theo tác giả, Việt Nam cần tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh chống tham nhũng, vốn được các văn kiện của Đảng gọi là “quốc nạn” và “nội xâm”.
Tác giả nhắc lại việc Báo cáo của Đại hội XII về xây dựng Đảng đã lưu ý tình trạng “suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống thiếu lành mạnh trong Đảng”, cũng như các hành vi “tham nhũng, lãng phí có tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”, đồng thời yêu cầu Trung ương và các địa phương cần có biện pháp khắc phục những hiện tượng tiêu cực này.
Tác giả khẳng định niềm tin tưởng rằng: “Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thấu hiểu những vấn đề nhức nhối kể trên và sẽ đề ra các giải pháp triệt để”. Kết luận bài viết của mình, ông Kobelev cho biết khi nghiên cứu các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, các nhà Việt Nam học của Nga đặc biệt vui mừng và chia sẻ niềm vui này của nhân dân Việt Nam, khi mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra trước cán bộ, đảng viên nhiệm vụ phát triển Việt Nam thành “một quốc gia thịnh vượng và hạnh phúc”, và đến giữa thế kỷ XXI sẽ trở thành “quốc gia phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Theo Báo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()