Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:50 (GMT +7)
"Đại tiệc tất niên" cho người lao động
Thứ 3, 06/02/2024 | 08:25:30 [GMT +7] A A
Chương trình Tết Sum vầy sau 10 năm tổ chức với quy mô toàn quốc đã thể hiện sự thống nhất, tinh thần quyết tâm của Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn trong đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Lợi ích của đoàn viên, người lao động, ngày càng được chăm lo tốt hơn, bảo vệ tốt hơn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, Chương trình đã trở thành “thương hiệu” của tổ chức Công đoàn, là sự kiện nổi bật, niềm mong đợi của đoàn viên, người lao động cả nước vào dịp Tết đến, Xuân về. Tại Quảng Ninh, Tết sum vầy đến nay đã tổ chức được 9 năm với biết bao tình cảm dành cho người lao động.
Tết sum vầy - Tiệc tất niên ấm áp
Trong căn phòng trọ những ngày cuối năm ở Hải Hà, chị Lù Thị Giang, công nhân Công ty TNHH KHKT Ngân Hà cùng chồng đang chuẩn bị đồ đạc để đưa con về quê hương cao nguyên đá Hà Giang. Cũng đã 2 năm rồi chị chưa về quê ăn Tết, bởi năm trước chị sinh em bé. Hoặc những năm đầu tiên vào làm tại KCN vì điều kiện kinh tế còn khó khăn, chị đành ở lại Hải Hà ăn Tết. “Từ khi có Tết sum vầy do LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ huyện tổ chức những phần quà và những tấm vé nghĩa tình của công đoàn trao đã giúp em cùng những công nhân xa quê có cơ hội về quê ăn Tết”, Lù Thị Giang chia sẻ.
Những năm gần đây, từ những tấm vé nghĩa tình đó của công đoàn đã tạo thành chất dẫn để các doanh nghiệp trong KCN chủ động bố trí những chuyến xe đưa công nhân về quê ăn Tết và đón người lao động trở lại làm việc đúng ngày, đúng giờ sau một cái Tết đoàn viên bên gia đình.
Tôi chợt nhớ cái Tết Sum vầy cách đây 5 năm cũng tại Hải Hà, chị Sa Thị Tuấn (khi đó 47 tuổi) dân tộc Mường (quê ở huyện Phù Yên, Sơn La) với dáng người nhỏ, gầy gò, ngồi nép mình bên những công nhân trẻ, song ánh mắt chị, khuôn miệng chị luôn tươi cười, chăm chú theo dõi tiết mục văn nghệ do chính đồng nghiệp tại Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Hà biểu diễn. Chồng mất năm 1999 trong một vụ tai nạn giao thông, một thân một mình chị nuôi hai con nhỏ. Năm 2007, chị gửi con nhờ bố mẹ đẻ trông nom để vào tỉnh Đồng Nai làm tại Công ty KHKT Texhong Nhơn Trạch Đồng Nai, năm 2013 thì chuyển ra đây.
Hồi ở Đồng Nai xa xôi, có năm chị không về quê lần nào kể cả ngày Tết. Nhớ con không ngủ được, có lúc tủi thân chị ngồi khóc một mình. Tuy nhiên, khi chuyển ra làm việc ở Hải Hà, thỉnh thoảng Công ty lại cho chị nghỉ phép để về thăm con, Tết đến lại được công đoàn tặng quà và vé xe về quê ăn Tết nên nỗi nhớ phần nào được vơi đi. “Khi được tham gia Chương trình Tết sum vầy, tôi cảm thấy đây giống như một bữa tiệc tất niên sum họp, sẻ chia để khi về quê ăn Tết bên người thân, mỗi người đều mang theo dư vị ấm áp”, chị Tuấn tâm sự.
Reo lên sau khi được xướng tên nhận phần quà giá trị nhất trong trò chơi bốc thăm trúng thưởng tại chương trình Tết sum vầy do Công đoàn ngành Giao thông vận tải tổ chức cách đây hơn chục ngày, chị Minh Trang, Công ty CP Cơ khí Giao thông Quảng Ninh bộc bạch: “Trong mơ tôi cũng không nghĩ rằng mình lại may mắn đến vậy. Hòa vào không khí sôi nổi với những điệu nhạc, trò chơi, bốc thăm trúng thưởng, nhận những món quà Tết từ tay doanh nghiệp, cán bộ công đoàn, chúng tôi dường như quên hết mệt nhọc của một năm lao động vất vả”. Chị Minh Trang, hoàn cảnh khó khăn lại bị K tuyến giáp, vì thế, những phần quà và tình cảm ấm áp của các cấp chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt tổ chức công đoàn sẽ giúp chị cảm thấy ấm áp hơn rất nhiều trong dịp Tết này.
Trong bầu không khí vô cùng rộn ràng của Tết sum vầy do LĐLĐ thành phố Hạ Long tổ chức tại KCN Việt Hưng, chị Nguyễn Thị Oanh, Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long, vô cùng phấn khởi khi nhận được những phần quà của công đoàn, của các cấp chính quyền và các doanh nghiệp.
Sinh năm 1990, người mẹ trẻ này đã có 3 con, con gái lớn nhất học cấp 3. Các con lần lượt ra đời, bên cạnh niềm hạnh phúc là những áp lực kinh tế, trong khi chồng chị không có việc làm ổn định. Nhà cách Công ty 25km, hàng ngày từ sáng sớm chị đã phải dậy đi làm theo xe đưa đón của Công ty.
Nguyễn Thị Oanh chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 em được tham gia Tết sum vầy, quả thực em rất vui bởi những phần quà này sẽ giúp gia đình em có thêm điều kiện để ăn Tết vui tươi, đầm ấm hơn. Em rất mong Tết sum vầy sẽ được tổ chức thường niên để người lao động sẽ được sẻ chia nhiều hơn. Các doanh nghiệp cũng quan tâm nhiều hơn đến người lao động”.
Góp thêm những mùa xuân ấm
Trước đây khi chưa có Tết sum vầy, trước Tết vài tháng, các cán bộ công đoàn đã lên kế hoạch lo Tết, đôn đáo đi vận động doanh nghiệp hỗ trợ, đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí lo Tết cho CNLĐ nhất là CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Rồi khi có nguồn kinh phí, lại tỏa đi khắp miền núi, biên giới đến hải đảo xa xôi để tặng quà, động viên CNLĐ dịp Tết đến Xuân về. Song từ khi có chương trình Tết sum vầy, người lao động đã được tập trung về một đơn vị đón một cái Tết tập trung trong không khí sôi động, phấn khởi, vui tươi như một bữa tiệc tất niên.
Ông Tô Xuân Thao, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Từ năm 2014 đến nay, các cấp công đoàn trong tỉnh đã phối hợp với chuyên môn, huy động nguồn lực thăm hỏi, động viên, tặng quà cho 350.295 lượt CNVCLĐ với tổng số tiền 291,874 tỷ đồng. Trong đó, LĐLĐ tỉnh từ các nguồn hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh, xã hội hóa đã thăm hỏi, động viên, tặng quà cho 37.143 lượt CNVCLĐ với tổng số tiền 36,008 tỷ đồng.
Tết sum vầy cấp tỉnh với nhiều hoạt động phong phú như: Tặng quà trực tiếp cho CNLĐ khó khăn; bốc thăm trúng thưởng với các giải thưởng lớn, như: Xe máy, tivi, tủ lạnh, điện thoại di động...; trao kỷ niệm chương Công đoàn Việt Nam cho doanh nghiệp tiêu biểu chăm lo tốt đời sống người lao động; tặng vé xe về quê ăn Tết cho CNLĐ; tổ chức các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian; các gian hàng giảm giá phục vụ CNLĐ, thay dầu xe máy miễn phí, cắt tóc miễn phí… đạt hiệu quả. Thông qua Chương trình “Tết Sum vầy” hàng năm, LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp trao quà cho gần 5.000 lượt CNLĐ khó khăn, tổ chức và phối hợp tổ chức 4.865 chuyến xe đưa CNLĐ về quê ăn Tết…
Gắn với tổ chức “Tết sum vầy”, từ năm 2017, LĐLĐ tỉnh đã triển khai hiệu quả Chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”. Qua đó ký kết thỏa thuận hợp tác với 85 đơn vị bán hàng với giá ưu đãi (giảm từ 5-30% so với giá bán) cho đoàn viên công đoàn. Hàng năm, có từ 50.000 đến 60.000 lượt CNVCLĐ được hưởng lợi từ chương trình với tổng trị giá gần 40 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh tiếp tục vận động các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức hỗ trợ xây mới, sửa chữa 600 “Mái ấm Công đoàn” trị giá 13,685 tỷ đồng. Quỹ Trợ vốn cho CNLĐ nghèo đã giải ngân cho 7.908 lượt CNLĐ nghèo vay vốn giải quyết việc làm, học tập nâng cao trình độ, sửa chữa nhà ở, trang bị phương tiện đi lại… với tổng số tiền 138 tỷ đồng.
100% LĐLĐ cấp huyện, Công đoàn ngành đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết, tổ chức “Tết Sum vầy” cho người lao động. Đặc biệt, từ Tết sum vầy cấp tỉnh, huyện, ngành, tại các doanh nghiệp, đơn vị công đoàn cơ sở đã chủ động cùng chủ doanh nghiệp tổ chức thành công các chương trình Tết sum vầy vô cùng rộn rã với nhiều phần quà, chương trình hấp dẫn. Các công đoàn cơ sở cũng đề xuất với người sử dụng lao động có kế hoạch trả lương, thưởng, thăm hỏi, tặng quà Tết cho đoàn viên, người lao động...
Để tổ chức hiệu quả chương trình Tết sum vầy có hỗ trợ rất lớn của người sử dụng lao động, các doanh nghiệp quan tâm, chăm lo cho người lao động. Ông Chiu An Liang, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long, KCN Việt Hưng bày tỏ: “Chúng tôi cố gắng làm mọi điều tốt nhất cho công nhân, cải thiện môi trường làm việc, lương, đời sống cho người lao động… để góp phần đem lại những cái Tết sum vầy thật ấm áp cho CNLĐ”.
Trong 10 năm qua Tết sum vầy đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động và các tổ chức, cá nhân trong tỉnh; đã khơi dậy sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong việc quan tâm chăm lo cho công nhân lao động, tạo sự lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng doanh nghiệp, dần trở thành “nhu cầu” và trách nhiệm của doanh nghiệp chăm lo cho người lao động mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()