Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:18 (GMT +7)
Đắk Nông công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp, xấu nhất là vỡ đập
Thứ 3, 08/08/2023 | 23:02:34 [GMT +7] A A
Sau ý kiến của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục.
Ban bố tình trạng khẩn cấp
Ngày 8/8, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục đối với Hồ chứa nước Đắk N'ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong), đường Hồ Chí Minh tại Km 1.900+350 (phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa); sạt trượt khu vực Bon Bu Krắc và Bon Bu Prăng 1A (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) do mưa lũ kéo dài gây ra.
Đồng thời, đối với khu vực công trình hồ chứa nước Đắk N’Ting, các đơn vị chức năng phải thực hiện phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đã được phê duyệt. Trong đó, tính toán lại kịch bản vỡ đập, khảo sát, đưa ra các phương án thoát nước khối trượt, giảm thiểu tối đa sạt trượt đất tại khu vực vai phải công trình. Tính toán, có phương án hạ thấp mực nước hồ để giảm thiểu tối đa thiệt hai khi có sự cố công trình xảy ra.
Tại công trình hồ chứa nước Đắk N'ting, mưa lớn khiến phía đồi bên vai phải đập đất xuất hiện cung trượt lớn kéo dài khoảng 400m. Cung trượt này gây áp lực lên công trình, làm dịch chuyển bề mặt cầu qua tràn, gây nứt vỡ bê tông mặt cầu, đường đỉnh đập...
Sau đó, cung trượt tiếp tục mở rộng, kéo dài và xuất hiện thêm nhiều vết nứt khiến bề mặt tràn tiếp tục dịch chuyển. Đến ngày 6/8 vết nứt cung trượt lớn nhất 30cm, độ sụt đất tại một số vị trí sâu đến 60cm; làm dịch chuyển cầu tràn, gây mất ổn định công trình, an toàn đập và vùng hạ du.
Tại đường Hồ Chí Minh tại Km 1.900+350, phường Nghĩa Thành, từ ngày 2/8 đã xuất hiện các vết nứt rộng và liên tục mở rộng, kéo dài. Đến ngày 7/8, các vết nứt gãy, sạt trượt diễn biến hết sức phức tạp, chiều dài lớn nhất khoảng 400m, chiều sâu khoảng 4,5m.
Tại khu vực sạt trượt Bon Bu Krắc và Bon Bu Prăng 1A (xã Quảng Trực), ngày 1/8 đã xuất hiện vết nứt gãy với chiều dài khoảng 200m. Những ngày tiếp theo, các vết nứt tiếp tục mở rộng, kéo dài và xuất hiện thêm nhiều vết nứt xung quanh. Đến ngày 7/8, các vết nứt gãy diễn biến phức tạp, tổng chiều dài các vết nứt khoảng 540m và kéo dài đến Bon Bu Prăng 1A, cách chân đập thủy lợi Đắc Ké khoảng 300m; gây mất ổn định kết cầu hạ tầng giao thông, đe dọa an toàn tính mạng và tài sản người dân.
Trước đó, ngày 7/8, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về tình hình mưa lũ, sạt lở.
Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh này.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, từ ngày 28/7–8/8, mưa lũ làm 2 người tử vong, 360 căn nhà bị ảnh hưởng, hơn 694ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng, trên 223ha ao nuôi thủy sản bị ngập; có 261 hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao phải di dời. Thiệt hại ước tính khoảng 250 tỉ đồng.
|
Xử lý ngay điểm sạt trượt
Để giảm quá trình sạt trượt phát triển, theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thành, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), phải tiến hành các giải pháp ngăn chặn nước chảy vào trong thân khối trượt. Trên mặt mái dốc phải được bảo vệ bằng các giải pháp thích hợp như trồng cỏ hoặc phủ vữa xi măng, bitum chống sự xâm nhập phá hoại trực tiếp từ nước mưa.
Nói về nguyên nhân gây sạt lở ở Tây Nguyên, Tiến sĩ Thành cho hay, trong khoa học thường gọi là "Trượt đất". Hiện tượng này thường xảy ở những nơi có địa hình dốc trong lớp vỏ phong hóa của đá. Theo thời gian, đá bị phong hóa và trong lớp vỏ phong hóa tơi xốp như đất chứa các khoáng vật sét, đặc biệt là monmorilonite rất nhạy cảm với nước. Khi mưa xuống, một lượng nước sẽ ngấm vào đất, làm tăng độ ẩm, tăng khả năng trương nở của đất.
Ngoài ra, địa hình ở Tây Nguyên đồi dốc cao, khi độ ẩm tăng làm suy giảm độ bền của đất, làm lực gây trượt tăng lên cùng với áp lực trương nở bên trong khối trượt đẩy ra phía ngoài gây hiện tượng trượt lở phát triển. Các vết nứt xuất hiện khi khối trượt đã hình thành. Vết nứt càng rộng và kéo dài thì khối trượt càng lớn.
Tại Tây Nguyên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có những công trình nghiên cứu về thiên tai như xây dựng bản đồ nguy cơ trượt - lở theo 5 cấp độ cảnh báo: Nguy cơ rất cao, cao, trung bình, thấp và rất thấp.
Ngoài ra tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Viện Địa chất đã lắp đặt trạm quan trắc cảnh báo trượt tự động. Các cơ quan chức năng tại địa phương có thể tham khảo kết quả và đưa ra các biện pháp phòng tránh phù hợp với từng khu vực.
“Chúng ta nên kiểm tra lại những khu vực nằm trong vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở, nhất là khu vực có nguy cơ rất cao để xử lý, gia cố ngay. Ta đừng để cứ đến mùa mưa, bị sụt lún trượt - lở mới lo sơ tán dân, rất tốn kém và luôn bị động. Bởi sau sạt lở, đất đá trôi xuống thung lũng gây lũ bùn đá thiệt hại rất lớn”, Tiến sĩ Thành nhấn mạnh.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Thành, sạt lở trong mùa mưa không phải hiện tượng thiên tai mới, nhưng ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế ở miền núi kéo theo nhu cầu cần mặt bằng xây dựng hạ tầng.
Để tạo mặt bằng, người ta thường cắt xén các sườn núi thành các mái taluy với độ dốc rất lớn hoặc xây tường chắn ở taluy âm, rồi đổ đất san nền. Nếu thi công không đúng kỹ thuật, hệ thống thoát nước không đảm bảo, sau một thời gian công trình đưa vào khai thác chắc chắn các hiện tượng về sự cố môi trường sẽ xảy ra dẫn đến công trình bị phá hủy gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()