Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:41 (GMT +7)
Đảm bảo an sinh xã hội vì sự phát triển bền vững
Thứ 7, 03/12/2022 | 06:08:29 [GMT +7] A A
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, nền kinh tế suy giảm, đời sống của người dân, nhất là người làm công ăn lương, người có thu nhập thấp, người nghèo, các đối tượng trợ cấp xã hội... trở nên khó khăn hơn. Trong bối cảnh ấy, để đảm bảo tăng trưởng bền vững và công bằng xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã kết hợp hài hòa giữa chính sách phát triển kinh tế và chính sách an sinh xã hội, nhằm phòng ngừa, khắc phục rủi ro, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Nhiều chính sách riêng có
Bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội luôn là một chủ trương, nhiệm vụ lớn, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội và là chìa khóa để phát triển toàn diện và bền vững của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và thực hiện các chính sách, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân. Hệ thống các chính sách an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện trên các lĩnh vực: Xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm, ưu đãi người có công với nước, trợ giúp xã hội, mở rộng các dịch vụ xã hội công cộng, tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hoá, y tế và giáo dục.
Tính riêng trong khoảng 5 năm trở lại đây, ngoài những chính sách chung của cả nước, Quảng Ninh đã ban hành hàng chục chính sách riêng có của tỉnh về an sinh, phúc lợi xã hội. Nổi bật như: Chính sách bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh; mức chi hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh; một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ 100% mức học phí công lập cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong 2 năm học 2021-2022 và 2022-2023; Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
Đặc biệt, trong hơn 2 năm đương đầu với đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đã xây dựng, triển khai rất nhiều cơ chế, chính sách mới, với mục tiêu hỗ trợ mọi tầng lớp nhân dân ổn định đời sống, phát triển sinh kế lâu dài, bền vững và được bảo vệ an toàn trước dịch bệnh. Đây có thể nói là những chính sách “an dân” và “được lòng dân” của Quảng Ninh trong “cơn bão” Covid-19, bởi được triển khai rất nhanh chóng, kịp thời, đa dạng đối tượng thụ hưởng.
Trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, không ngừng nâng cao năng lực y tế từ tỉnh tới cơ sở, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế học đường bảo đảm có đủ khả năng xử lý kịp thời, ứng phó hiệu quả trong mọi tình huống dịch bệnh.
Cùng với đó là triển khai thần tốc chiến dịch vắc xin phòng Covid-19 theo phương châm “đi trước, làm trước, bảo đảm tuyệt đối an toàn”. Quảng Ninh là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhất. Đến nay, độ bao phủ vắc xin mũi 1, 2 đối với người từ đủ 12 tuổi trở lên đạt trên 99%; mũi 3 đối với người từ 18 tuổi trở lên đạt 97,2%, người từ 12 tuổi đến 18 tuổi đạt 92,8%; mũi 4 đối với người 18 tuổi trở lên hoàn thành kế hoạch của Trung ương, 76,8% kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm chủng của tỉnh; mũi 1, 2 đối với trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đạt lần lượt 99,5% và 80,8%...
Việc đi đầu thực hiện thành công chiến lược vắc xin đã tạo hiệu quả rõ rệt, giảm sâu các ca mắc mới, đưa nhịp sống sôi động trở lại và nhanh chóng phục hồi vững chắc ngành du lịch (Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu mở cửa mạnh mẽ du lịch quốc tế thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 từ 15/3/2022), bảo đảm ổn định đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới, giữ vững đà tăng trưởng. Từ cách làm chủ động, hướng sự ưu tiên hàng đầu đến người dân, Quảng Ninh đã tạo được sự tin tưởng, đồng thuận rất cao.
Nâng cao đời sống cho nhân dân
Tất cả các thành quả mà Quảng Ninh tạo ra, đạt được trong thời gian qua đều để nâng cao đời sống nhân dân, phục vụ nhân dân, vì sự bình yên của nhân dân, tạo thuận lợi cho nhân làm ăn, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vì hạnh phúc của nhân dân.
Các cấp, các ngành thực hiện đầy đủ chính sách an sinh xã hội, các chế độ chính sách đối với gia đình người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tỉnh tập trung triển khai thực hiện quyết liệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có dân cư sinh sống. Mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên; công tác y tế có nhiều chuyển biến, số giường bệnh trên 1 vạn dân gấp đôi bình quân chung của cả nước. Chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 5 địa phương cao nhất cả nước. Diện mạo nhiều vùng nông thôn thay đổi rõ rệt, hiện Quảng Ninh đã có 5 địa phương cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, 90 xã đạt chuẩn NTM; 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 41,5 triệu đồng/người/năm, tăng 3,8 lần so với năm 2010.
Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh có huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM, có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đó cũng chính là việc hướng đến các tiêu chí của “hạnh phúc” mà văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra, trong đó cốt lõi là người dân phải được hưởng phúc lợi xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần. Từ đây tạo những giá trị niềm tin bền vững
Bà Nguyễn Thị Châu (thôn Thành Long, xã An Sinh, TX Đông Triều), chia sẻ: Mỗi nghị quyết, chính sách ban hành chỉ có ý nghĩa khi nó xuất phát từ thực tiễn đời sống của nhân dân, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo no ấm, hạnh phúc cho nhân dân. Và Quảng Ninh đã làm được điều đó, những chính sách an sinh, nhất là trong mùa dịch thật sự đã mang đến cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người mất việc làm những món quà ý nghĩa, động viên họ vượt qua khó khăn trước mắt của dịch bệnh.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là quan điểm, chủ trương nhất quán trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Càng trong hoàn cảnh khó khăn, giữa những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh thì quan điểm ấy vẫn đang và sẽ tiếp tục được cụ thể hóa bằng những chính sách thiết thực, phù hợp và kịp thời, thể hiện sự chung tay, sẻ chia đầy trách nhiệm của tỉnh đối với nhân dân. Tính đến hết tháng 9/2022, Quảng Ninh đã thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho 500.277 người và 6.400 người sử dụng lao động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng số tiền trên 825 tỷ đồng. Đồng thời, hoàn thành việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho tổng số 18.066 người thuộc 492 doanh nghiệp theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số tiền là 26,6 tỷ đồng.
Những chủ trương, kế hoạch của Quảng Ninh đã, đang và sẽ góp phần giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền, thực hiện thành công mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân”...
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()