Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 03:12 (GMT +7)
Đảm bảo an toàn tuyệt đối hoạt động tham quan Vịnh Hạ Long
Thứ 3, 16/03/2021 | 06:14:02 [GMT +7] A A
Dịch Covid-19 được kiểm soát, Quảng Ninh bước vào trạng thái bình thường mới, du lịch phục hồi với nhiều gói kích cầu phù hợp. Để tổ chức đón khách tham quan Vịnh Hạ Long an toàn, đặc biệt thời điểm mở đầu du lịch hè đang đến gần, dự báo lượng khách tăng đột biến, Cơ quan Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh (Cảng vụ) đã chủ động kiểm tra, rà soát phương tiện thủy chở khách.
Cán bộ Cơ quan Cảng vụ kiểm tra công tác phòng dịch trên tàu du lịch tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. |
Hiện nay, trên Vịnh Hạ Long có hơn 500 tàu du lịch được cấp phép hoạt động, trong đó có khoảng 200 tàu lưu trú nghỉ đêm. Những năm qua, hoạt động của đội tàu du lịch đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển du lịch trên Vịnh Hạ Long nói riêng, du lịch Quảng Ninh nói chung, trở thành cầu nối quan trọng đưa du khách đến với Vịnh Hạ Long.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch toàn cầu Covid-19 bùng phát, gây đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu, Vịnh Hạ Long vắng khách, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực vận tải trên vịnh gián đoạn, ảnh hưởng nặng nề. Bắt đầu từ ngày 2/3, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức cho phép tái khởi động, tổ chức khai thác hoạt động tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long, gắn với các biện pháp phòng dịch. Song theo tổng hợp từ Cảng vụ, lượng khách còn khá khiêm tốn.
Với nhiều giải pháp triển khai “nhiệm vụ kép”, triển khai các gói kính cầu du lịch, Quảng Ninh đang vào giai đoạn phục hồi, nhận định khách du lịch sẽ quay trở lại Vịnh Hạ Long tăng đột biến vào tháng 4, khởi động cho mùa du lịch biển hấp dẫn nhất miền Bắc. Trên cơ sở đó, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về đường thủy nội địa, Cảng vụ đã xây dựng kế hoạch, ra quân thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra đối với các phương tiện thuỷ hoạt động đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long.
Từ đó, duy trì sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát liên ngành, tăng cường xử lý các vi phạm trong hoạt động vận chuyển hành khách, kiểm tra tải trọng của các phương tiện, thiết bị an toàn, công tác bảo vệ môi trường tại các cảng thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý. Song song với đó, duy trì lực lượng tuần tra, kiểm soát ban đêm tại các cảng bến, vị trí neo đậu tàu để đảm bảo tuyệt đối việc chấp hành quy định bố trí người khi neo đậu của các tàu; cảnh báo, hướng dẫn khi gặp hiện tượng thời tiết cực đoan, chủ động đối phó với các tình huống xấu như cháy nổ, thủy triều lên làm kênh tàu gây chìm đắm khi đỗ tại bến.
Để tiếp tục giám sát, tăng cường đảm bảo an toàn phương tiện, Cảng vụ vận hành hiệu quả hoạt động giám sát thông qua thiết bị hành trình GPS được lắp bắt buộc trên các phương tiện. Hệ thống này cho phép cơ quan chức năng nắm được các thông số về thời gian, vị trí, vận tốc... của tàu đang hoạt động. Thực hiện gắn trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên với công tác PCTT-TKCN bằng việc tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước; tuân thủ lệnh huy động, điều động khi phải ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về công tác PCTT-TKCN; kiểm tra trang bị thông tin liên lạc, bản đồ bão, lịch thủy triều, la bàn và các thiết bị cần thiết khác...
Cán bộ Cảng vụ kiểm tra thiết bị an toàn trên tàu du lịch. |
Để công tác tuyên truyền được hiệu quả trong mùa dịch, Cảng vụ đã xây dựng quy chế vận hành cụ thể, bám sát chỉ đạo của tỉnh, của Sở GT-VT, yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm Sổ tay “Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới” áp dụng trên các phương tiện. Thống nhất và đưa vào quy chế hoạt động từng phần việc, gắn trách nhiệm của chủ cảng, chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên như: Trước khi xếp khách phương tiện phải thực hiện vệ sinh các vị trí có tiếp xúc với khách bằng nước sát khuẩn; kết thúc hành trình thăm vịnh phải phun khử khuẩn toàn bộ phương tiện; khi xếp khách phải thực hiện tuyên truyền các quy định về phòng dịch như sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, khai báo y tế điện tử; niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng để du khách trực tiếp phản ánh với cơ quan chức năng.
Riêng đối với hướng dẫn về công tác an toàn, Cảng vụ đã đưa hình thức tuyên truyền bằng video clip vào sử dụng, hướng dẫn cụ thể, đầy đủ nội quy an toàn khi hành trình tham quan Vịnh Hạ Long bằng 5 ngôn ngữ: Việt, Anh, Nhật, Trung, Hàn trên các phương tiện... Giải pháp này đã giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin, tiết kiệm thời gian, tiện ích hơn khi chủ phương tiện không phải bố trí người hướng dẫn các quy định như cách mặc áo phao, vị trí bình chữa cháy như trước đây nữa. Thay vào đó, là dành thời gian kiểm tra công tác an toàn, đón tiếp du khách khi tàu chuẩn bị rời cảng được chu đáo hơn.
Có thể thấy, với sự vào cuộc kịp thời, phù hợp, thời gian tới, hoạt động vận tải hành khách tham quan Vịnh Hạ Long sẽ dần ổn định trở lại, chất lượng hoạt động của đội tàu không ngừng được nâng lên, khẳng định thương hiệu Quảng Ninh điểm đến an toàn trong lòng du khách bốn phương. Điều này sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH chung của tỉnh, tăng trưởng đảm bảo ở mức 2 con số trong năm 2021.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()