Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:03 (GMT +7)
Đảm bảo các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia
Thứ 2, 19/02/2024 | 08:08:20 [GMT +7] A A
Tỉnh luôn quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường học nhằm đáp ứng điều kiện dạy và học. Tuy nhiên, việc triển khai dự án tại một số địa phương còn chậm, không đảm bảo về diện tích; một số trường đã quá hạn công nhận lại đạt chuẩn quốc gia...
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 638 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, GDTX (mầm non 222, tiểu học 155, THCS 188, THPT 59, GDTX 14). Trong 2 năm 2022, 2023 có 49 trường có công trình được đầu tư xây dựng mới; trong đó có 6 trường được xây mới đồng bộ, hiện đại, đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2 (THPT Quảng La, THPT Cẩm Phả, THPT Bình Liêu, TH&THCS Vạn Yên, Mầm non thị trấn Cái Rồng, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tiên Yên), có 285 trường được sửa chữa, bảo dưỡng; tổng kinh phí thực hiện khoảng 2.603 tỷ đồng.
Năm 2021 tỉnh đã trang cấp thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho 100% trường tiểu học công lập; năm 2022 một số địa phương (Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ) mua sắm thiết bị lớp 2, lớp 6; năm 2023 thực hiện mua sắm thiết bị dạy học lớp 2, 3, 4, 6, 7, 8 cho các trường công lập, đến nay các trường đã ký hợp đồng mua sắm 448/563 thiết bị trong danh mục, tổng kinh phí khoảng 46,5 tỷ đồng.
Từ năm 2020 đến nay, Sở GD&ĐT đã đánh giá ngoài kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia cho 360 cơ sở giáo dục (công nhận lại 291 cơ sở, công nhận mới 69 cơ sở).
Sự quan tâm của tỉnh và các địa phương đã góp phần thực hiện các mục tiêu về xây dựng NTM của tỉnh, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa tăng từ 90% lên 92,1%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng từ 87,5% lên 90,22%. Các công trình giáo dục được đầu tư làm thay đổi diện mạo hạ tầng văn hóa - xã hội của các địa phương, nhất là ở vùng khó khăn, tạo điểm nhấn về kiến trúc, là mô hình mẫu về cơ sở vật chất trường học theo tiêu chí chất lượng cao, tạo sự phấn khởi cho cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân.
Tuy nhiên, đến nay còn 171 trường (27,4%) đã quá hạn công nhận lại, 61 trường (9,78%) chưa được công nhận, 8/14 trung tâm GDNN-GDTX chưa được đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục. Nguyên nhân ở thành thị số học sinh đông, quỹ đất hạn hẹp, nên nhiều trường quá số lớp, nhiều lớp quá số học sinh theo quy định; ở vùng miền núi, học sinh ít, phân tán, nhiều trường không đủ quy mô tối thiểu, số điểm trường vượt quy định. Bên cạnh đó, theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT "Ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất...", số lượng, diện tích các hạng mục đều cao hơn trước; khi thực hiện cải tạo, nâng cấp hạng mục cũ phải thực hiện theo Luật Đầu tư công, do kinh phí chi thường xuyên chỉ được sửa chữa, bảo dưỡng theo quy định tại Thông tư số 65/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính; khi phá dỡ để xây dựng mới thì chưa đủ điều kiện thanh lý tài sản theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ...
Để khắc phục tình trạng trên, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, thời gian tới sẽ thành lập các đoàn đánh giá theo yêu cầu của các địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương tăng cường phối hợp với Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch khả thi, quan tâm quy hoạch bổ sung quỹ đất cho giáo dục; điều chỉnh quy mô các trường vượt quy định về số lớp, số học sinh; sáp nhập trường có quy mô nhỏ hơn quy định, dồn ghép để đảm bảo số điểm trường không vượt quy định. Trên cơ sở định mức số lượng người làm việc được giao, các địa phương chủ động tuyển dụng, hợp đồng để đảm bảo đủ giáo viên theo quy định; bổ nhiệm cán bộ quản lý còn thiếu; tạo điều kiện cho giáo viên tham gia đào tạo để đạt chuẩn theo quy định.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()