Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 15:45 (GMT +7)
Phấn đấu năm 2025 tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt 90% trở lên
Thứ 5, 28/12/2023 | 15:19:43 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XIV, đại diện các tổ đại biểu Cẩm Phả, Hải Hà, Đầm Hà chất vấn: “Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; trong đó phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt 90% trở lên. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; các huyện, thị xã thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó tiêu chí đối với ngành giáo dục các trường học đều phải đạt tiêu chí trường chuẩn cơ sở vật chất đạt mức độ 1, trong đó có 01 trường đạt mức độ 2. Tuy nhiên, trên thực tế cơ sở vật chất tại các trường học trên địa bàn tỉnh còn rất khó khăn như: thiếu hệ thống phòng học, phòng học bộ môn do tăng số lớp, học sinh so với giai đoạn trước, nên chưa đảm bảo các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định. Để phấn đấu đạt được mục tiêu trường đạt chuẩn quốc gia nêu trên, đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết giải pháp của ngành trong thời gian tới?
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
1. Thực trạng
Toàn tỉnh hiện có 638 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên (MN: 222; TH: 155; THCS: 188; THPT: 59; GDTX: 14). Trong 02 năm 2022, 2023 có 49 trường có công trình được đầu tư xây dựng mới, trong đó có 6 trường được xây mới đồng bộ, hiện đại, đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2 (Trường THPT: Quảng La, Cẩm Phả, Bình Liêu; Trường TH&THCS Vạn Yên và Trường MN thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn); Trung tâm GDNN-GDTX Tiên Yên), có 285 trường được sửa chữa, bảo dưỡng. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 2.603 tỷ đồng (chi đầu tư 2.237 tỷ đồng, chi thường xuyên 366 tỷ đồng), trong đó ngân sách tỉnh 1.655 tỷ đồng, cấp huyện 938 tỷ đồng.
Năm 2021, tỉnh đã trang cấp thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho 100% trường tiểu học công lập; năm 2022 một số địa phương (Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ) mua sắm thiết bị lớp 2, lớp 6; năm 2023 đang thực hiện mua sắm thiết bị dạy học lớp 2, 3, 4, 6, 7, 8 cho các trường công lập, đến nay các trường đã ký hợp đồng mua sắm 448/563 thiết bị trong danh mục, tổng kinh phí khoảng 46,5 tỷ đồng.
Từ năm 2020 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành đánh giá ngoài kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia cho 360 cơ sở giáo dục, trong đó công nhận lại 291 và công nhận mới 69 đơn vị.
Sự quan tâm của tỉnh và các địa phương đối với việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở giáo dục đã góp phần thực hiện các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa tăng từ 90% lên 92,1%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng từ 87,5% lên 90,22%. Các công trình giáo dục được đầu tư xây dựng mới đã làm thay đổi diện mạo hạ tầng văn hóa - xã hội của các địa phương, nhất là ở vùng khó khăn; các trường được đầu tư xây dựng mới đồng bộ, hiện đại tạo điểm nhấn về kiến trúc công trình giáo dục, là mô hình mẫu về cơ sở vật chất trường học theo tiêu chí chất lượng cao, tạo sự vui mừng, phấn khởi cho CBGV, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân, được Bộ GD&ĐT ghi nhận, đánh giá cao, được các tỉnh bạn đánh giá cao về sự quan tâm đặc biệt, đúng chủ trương của tỉnh đối với giáo dục.
Tuy nhiên, đúng như các đại biểu phản ánh, đến nay còn 171 trường (27,4%) đã quá hạn công nhận lại; 61 trường (9,78%) chưa được công nhận; 8/14 trung tâm GNN-GDTX chưa được đánh giá KĐCLGD.
2. Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc
Về khách quan: (1) Sự khác biệt về vùng miền, ở vùng thành thị số học sinh đông, quỹ đất hạn hẹp nên nhiều trường quá số lớp, nhiều lớp quá số học sinh theo quy định; ở vùng miền núi, học sinh ít, phân tán, nhiều trường không đủ quy mô tối thiểu, số điểm trường vượt quy định; (2) Thông tư 13/2020/TT- BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định mới về cơ sở vật chất, theo đó số lượng, diện tích các hạng mục đều cao hơn trước; khi thực hiện cải tạo, nâng cấp hạng mục cũ phải thực hiện theo Luật đầu tư công do kinh phí chi thường xuyên chỉ được sửa chữa, bảo dưỡng theo quy định tại Thông tư 65/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính; khi phá dỡ để xây dựng mới thì chưa đủ điều kiện thanh lý tài sản theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Về chủ quan: (1) Kế hoạch công nhận trường đạt chuẩn quốc gia của các địa phương không đồng bộ với kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhiều trường đề nghị công nhận nhưng chưa bổ sung cơ sở vật chất còn thiếu hoặc việc xây dựng chưa hoàn thành; một số địa phương tự cân đối còn khó khăn khi bố trí kinh phí; (2) Một số địa phương còn khó khăn trong việc bổ sung quỹ đất để đảm bảo quy mô, diện tích theo quy định; trong việc sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, dồn ghép các điểm trường;(3) Tình trạng thiếu cán bộ quản lí, giáo viên, năng lực đội ngũ cán bộ quản lí hạn chế; (4) Việc mua sắm thiết bị dạy học còn chậm so với tiến độ đổi mới chương trình GDPT 2018.
3. Để khắc phục những hạn chế, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, Sở GD&ĐT đề xuất một số giải pháp:
Sở GD&ĐT tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch KĐCLGD-CQG năm 2024, 2025; thành lập các đoàn đánh giá theo yêu cầu của địa phương. Trên cơ sở đó, đề nghị các địa phương tăng cường phối hợp với Sở GD&ĐT để xây dựng kế hoạch khả thi, quan tâm quy hoạch bổ sung quỹ đất cho giáo dục; điều chỉnh quy mô các trường vượt quy định về số lớp, số học sinh; sáp nhập trường có qui mô nhỏ hơn quy định, dồn ghép để đảm bảo số điểm trường không vượt quy định.
Trên cơ sở định mức số lượng người làm việc được giao, các địa phương chủ động tuyển dụng, hợp đồng để đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy theo quy định; khẩn trương bổ nhiệm cán bộ quản lý cho các trường còn thiếu; tạo điều kiện cho giáo viên tham gia đào tạo để đạt chuẩn theo quy định.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục đối với việc đề xuất danh mục, số lượng đề nghị mua sắm thiết bị dạy học; tăng cường phối hợp giữa Ban QLDADD và các Sở GD&ĐT, Tài chính, KH&ĐT và UBND các địa phương để hoàn thành việc mua sắm TBDH tối thiểu trong năm 2024, đồng bộ với tiến độ đổi mới Chương trình GDPT 2018.
Ngọc Ánh (Biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()