Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:37 (GMT +7)
Đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường Tết
Thứ 5, 18/01/2024 | 09:21:52 [GMT +7] A A
Để chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Quảng Ninh đã triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau Tết.
Theo báo cáo của Cục Thống kê, tình hình giá tiêu dùng Quảng Ninh tháng 12/2023 có một số hàng hóa tăng như: Giá may mặc, mũ nón, giày dép tăng; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng; giá nước sinh hoạt tăng; giá điện sinh hoạt tăng; đặc biệt giá dịch vụ y tế tăng cao là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 3,06% so với cùng kỳ. Tính chung năm 2023, CPI tăng 2,48% so với cùng kỳ năm trước.
Trong giai đoạn giáp Tết, thị trường hàng hóa sôi động hơn, nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm, hàng may mặc, năng lượng tăng nên giá các mặt hàng này sẽ có xu hướng tăng. Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương tăng cường công tác quản lý nhà nước, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm bình ổn thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở thường xuyên theo dõi diễn biến cung, cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, gồm: Xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm tươi sống...); những mặt hàng có nhu cầu tăng cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn tỉnh để chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hoá
Các địa phương, sở, ngành cũng đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp với chương trình xúc tiến thương mại. Đồng thời, kết nối cung cầu để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, đặc sản của địa phương kết hợp với nguồn hàng phục vụ Tết nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Cùng với đó, công tác quản lý thị trường, chống sản xuất hàng giả được siết chặt để ngăn chặn các nguy cơ làm mất ổn định thị trường dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt là hàng giả lương thực, thực phẩm liên quan đến sức khỏe; chống buôn lậu khi giá xăng dầu, nguyên vật liệu sản xuất... Các lực lượng chức năng cũng chú trọng kiểm tra về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trên địa bàn tỉnh, kiểm soát ngăn chặn các hành vi vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.
Ngày 16/1/2024, UBND tỉnh cũng ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền tập trung triển khai chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()