Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:37 (GMT +7)
Đảm bảo mùa lễ hội xuân an toàn, văn minh, vui tươi
Chủ nhật, 21/01/2024 | 07:31:56 [GMT +7] A A
Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng là bắt đầu của các lễ hội xuân trên cả nước. Để các hoạt động lễ hội luôn mang đậm ý nghĩa, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước lòng tự hào dân tộc cho mỗi người, thời điểm này, các ngành, địa phương đều đang tích cực chuẩn bị chu đáo công tác tổ chức, quản lý đảm bảo cho các lễ hội diễn ra an toàn, vui tươi, lành mạnh.
Chu đáo, bài bản
Các lễ hội được tổ chức vào dịp xuân mới trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của cộng đồng dân cư, thể hiện lòng tôn kính của nhân dân đối với bậc tiền nhân có công lao với quê hương, đất nước cũng như gửi gắm những mong ước về năm mới bình an, hạnh phúc, may mắn, tài lộc. Một số lễ hội tiêu biểu, thu hút đông đảo du khách thập phương của tỉnh có thể kể đến như: Hội xuân Yên Tử (TP Uông Bí), Lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), Lễ hội chùa Cái Bầu (Vân Đồn), Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên), Lễ hội xuân Ngọa Vân, Lễ hội Thái Miếu, Lễ hội chùa Quỳnh Lâm (TX Đông Triều)...
Để đáp ứng việc phục vụ lượng du khách tăng đột biến tại các điểm đến di tích, tâm linh đặc biệt những nơi có lễ hội lớn đầu xuân, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đều đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội; có phương án ứng phó với tình huống phát sinh, nhất là những vấn đề về ùn tắc giao thông, phòng chống dịch bệnh, cháy nổ, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự ở nơi thờ tự.
Năm nay, Hội xuân Yên Tử diễn ra trong 3 tháng đầu năm âm lịch, trong đó, lễ khai hội xuân diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng (tức 19/12/2024). Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí Nguyễn Văn Thành, cho biết: Đến nay, công tác chuẩn bị cho Hội xuân Yên Tử đang được gấp rút thực hiện để sẵn sàng đón tiếp du khách về dự hội. Thành phố đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quảng bá Hội xuân Yên Tử năm 2024, quy tắc ứng xử văn minh du lịch tại Yên Tử; hướng dẫn việc sử dụng các dịch vụ, tiện ích tại Yên Tử...
Cùng với đó, các đơn vị cũng đang tiến hành rà soát, nâng cấp cơ sở vật chất tại Khu Di tích Yên Tử như: Bổ sung hệ thống bảng biển chỉ dẫn, biển tuyên truyền vệ sinh môi trường, hình ảnh văn hóa văn minh du lịch; chỉnh trang đường giao thông vào khu du lịch, khu vực bến xe, nội viện các chùa phục vụ Hội xuân 2024; sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống đường đi bộ, lan can, tay vịn trên tuyến đường hành hương từ chùa Giải Oan lên đến chùa Đồng; lắp đặt hệ thống ki ốt cung cấp thông tin du lịch tại các điểm tham quan, nhà chờ xe điện, bến xe, chợ, nhà hàng, để kịp thời cung cấp thông tin cho du khách về các dịch vụ tại Yên Tử.
Tại đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) nơi hằng năm đều thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, vãng cảnh, dự lễ, cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng bài bản các điều kiện để lễ hội diễn ra trang nghiêm, bảo đảm nghi thức truyền thống, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Ông Bùi Xuân Hẹn, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên, chia sẻ: Ban Quản lý Di tích đã xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội đền Cửa Ông dịp đầu xuân 2024 báo cáo thành phố. Theo đó, việc tổ chức Lễ hội đền Cửa Ông đảm bảo đầy đủ các nghi lễ truyền thống của lễ hội đặc biệt là lễ rước kiệu Đức Ông và các nhân thần vi hành. Cùng với đó, các chương trình nghệ thuật cũng được đầu tư dàn dựng công phu nhằm tạo không khí mừng xuân vui tươi cho nhân dân và du khách, đồng thời nhằm tiếp tục giáo dục truyền thống, khơi dậy ý thức, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa cho các tầng lớp nhân dân. Thời điểm này, Ban Quản lý Di tích cũng chủ động rà soát lại hệ thống cơ sở vật chất, chỉnh trang cảnh quan cây xanh, công tác vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp để đón du khách trong những ngày cao điểm Tết sau đó là lễ hội.
Gìn giữ giá trị, ý nghĩa của lễ hội truyền thống
Để có một mùa lễ hội xuân an toàn, lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực chuẩn bị và triển khai nhiều giải pháp để các lễ hội thực hành đúng nghi thức, nét đẹp văn hoá; ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực, biến tướng. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 2/1/2024 về tổ chức các hoạt động Tết Giáp Thìn năm 2024; Sở Văn hóa - Thể thao ban hành văn bản số 64/SVHTT-QLDS ngày 9/1/2024 về việc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024.
Theo đó, đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để lễ hội diễn ra đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hoá tại địa phương, không để những hình ảnh phản cảm diễn ra trong lễ hội; không để tình trạng lợi dụng lễ hội, đông người để tuyên truyền nội dung phản động, kích động bạo lực, mê tín dị đoan, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, cờ bạc trá hình... Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh, về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống trong lễ hội.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan và các địa phương cũng chú trọng nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý, tăng cường thanh, kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động lễ hội, hướng dẫn nhân dân, du khách tham gia các hoạt động tại lễ hội, kịp thời phát hiện và xử lý những hiện tượng tiêu cực, hành vi vi phạm.
Mùa lễ hội xuân 2024 sẽ kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Thiết nghĩ, để các sự kiện diễn ra đảm bảo phần nghi lễ được tiến hành trang trọng, đúng nghi thức, phần hội vui tươi, lành mạnh, đa dạng về hình thức với các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống, tạo ấn tượng sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân, cùng với việc làm tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội cần sự tham gia, vào cuộc chủ động, tự giác, trách nhiệm của cộng đồng. Mỗi người dân tham gia lễ hội cần trang bị cho mình văn hóa ứng xử với lễ hội, hiểu đúng và thực hành đúng các nghi thức, cũng như tham gia đúng mực vào các hoạt động phần hội, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa tinh thần của lễ hội trong đời sống hiện đại, xây dựng nếp sống văn minh tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
Ông Phạm Xuân Hoàn, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích nhà Trần (TX Đông Triều): “Chủ động các phương án đảm bảo an ninh, an toàn” Thường thì trước, trong và sau Tết Nguyên đán, người dân và du khách thập phương đến dâng hương, chiêm bái rất đông. Đặc biệt đối với Lễ hội xuân Ngọa Vân và Lễ hội Thái miếu nhà Trần, Ban Quản lý di tích nhà Trần phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nghi lễ tâm linh và các hoạt động văn hóa, thể thao: Liên hoan đàn và hát dân ca xuân Ngọa Vân, trình diễn ánh sáng bằng công nghệ 3D mapping... Để nhân dân và du khách được vui xuân an toàn, chúng tôi phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch, chuẩn bị phương án về nhân lực, vật lực và các điều kiện cần thiết để phục vụ nhu cầu nhân dân và du khách; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... trong khu vực Khu di tích và các lễ hội. Đặc biệt, chúng tôi luôn chú trọng đến công tác phòng cháy chữa cháy, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương tiến hành kiểm tra hệ thống điện, kiểm tra cách bố trí tài sản, hàng hóa, phương tiện, lối thoát hiểm, sử dụng nguồn nhiệt, lửa tại các nơi thờ tự, hóa vàng mã, nghiêm túc chấp hành và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, cố gắng không để sự cố về an toàn, an ninh. |
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm: “Gia tăng trải nghiệm truyền thống cho du khách” Dịp lễ hội đầu xuân tới đây, cùng với các hoạt động hội xuân của Yên Tử, chúng tôi sẽ tập trung phát triển các sản phẩm đậm nét văn hóa truyền thống để mang đến cho nhân dân và du khách một không gian trải nghiệm văn hóa hấp dẫn. Cụ thể, tại quảng trường Minh Tâm, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động như: Cưỡi ngựa, bắn cung, bắn súng, đánh đu...; tại Làng Nương, du khách sẽ được nghe hát quan họ, tập làm nón lá, chuồn chuồn tre, mặt nạ tre, sáo trúc, tranh dân gian Đông Hồ, vẽ tranh thư pháp... Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng một số hoạt động hấp dẫn, có chiều sâu thiên về chăm sóc thân, tâm và trí dành cho du khách lưu trú như: Hành trình văn hóa, khám phá bản thân, tham gia các lớp tập yoga và thiền... Thông qua các hoạt động này, chúng tôi mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho du khách trong chuỗi các hoạt động lễ hội đầu xuân. Đồng thời, quảng bá văn hóa đặc sắc của Việt Nam đến du khách, nhất là du khách quốc tế. |
Ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu: “Gắn các hoạt động lễ hội văn hóa với quảng bá du lịch” Năm 2024, bám sát các kế hoạch, chỉ đạo của tỉnh, huyện Bình Liêu đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán bảo đảm thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa và phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc. Trong đó, Lễ hội đình Lục Nà và chương trình giao lưu nghệ thuật hát then - đàn tính sẽ diễn ra từ ngày 24-26/2/2024 (tức ngày 15-17 tháng Giêng) là điểm nhấn hoạt động lễ hội đầu xuân. Cùng với việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống, huyện Bình Liêu cũng coi đây là dịp để tiếp tục lan tỏa quảng bá văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương. Vì vậy, huyện đặc biệt quan tâm tổ chức các hoạt động phần lễ đúng nghi thức, phần hội sôi nổi với các trò chơi dân gian, chương trình nghệ thuật, trải nghiệm phong tục, ẩm thực, làn điệu dân ca... của đồng bào dân tộc Tày thu hút du khách tham gia. |
Bà Lộc Thị Trang, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên: “Cần tăng cường công tác quản lý dịch vụ kinh doanh tại các địa điểm tổ chức hội xuân” Gia đình tôi năm nào cũng dành thời gian để đi du xuân, tham quan, vãng cảnh tại các đền, chùa, khu di tích, tâm linh tại địa phương cũng như tại một số địa điểm nổi tiếng trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy, các hoạt động lễ hội đầu xuân ngày càng được các địa phương tổ chức văn minh, trang trọng, mang đậm văn hóa truyền thống. Tôi nhận thấy sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ năm ngoái, mọi người cũng nâng cao ý thức trong việc đi lại theo hàng lối, không tập trung quá đông đúc, chen lấn để dâng hương, dâng lễ hay đốt vàng mã mà dành nhiều thời gian hơn để tham quan tìm hiểu về di tích. Bên cạnh đó, tôi thấy tại một số lễ hội đôi khi vẫn chưa được quản lý tốt, hàng hóa bày bán chưa ngay ngắn, lấn chiếm vỉa hè, giá bán không đúng giá niêm yết... Tôi mong tình trạng này sẽ được siết chặt quản lý hơn nữa trong năm nay để hoạt động lễ hội ngày xuân diễn ra thật sự văn minh, lành mạnh. |
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()