Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:16 (GMT +7)
Đảm bảo nhân lực cho sản xuất - kinh doanh
Thứ 3, 06/09/2022 | 14:38:35 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh hiện nay, TKV đang tăng tỷ trọng khai thác than hầm lò, kéo theo nhu cầu tuyển dụng thợ lò tăng cao. Để đáp ứng đủ lao động làm việc trong hầm lò, TKV đã và đang triển khai nhiều chính sách, giải pháp.
Trung bình mỗi năm TKV cần tuyển từ 3.000- 5.000 thợ lò. Số tuyển mới chính sẽ thay thế cho số lượng công nhân đã nghỉ hưu, nghỉ việc của các đơn vị TKV. Theo báo cáo của TKV, hiện lao động toàn Tập đoàn gần 95.000 người. Năng suất lao động giai đoạn 2015 - 2021 tăng bình quân 12%/năm. Năm 2021, tiền lương bình quân của người lao động đạt gần 13 triệu đồng/người/tháng. Kế hoạch năm 2022, TKV phấn đấu tuyển 4.300 chỉ tiêu đào tạo nghề mỏ. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2022, TKV đã lên kế hoạch thu hút nguồn lực lao động cho các đơn vị sản xuất than hầm lò. Nhiều đơn vị trong Tập đoàn đã có những cách làm sáng tạo thu hút và “giữ chân” lực lượng lao động chính - đội ngũ thợ lò.
Công ty Than Uông Bí được TKV đánh giá là một trong những đơn vị điển hình trong công tác tuyển dụng và “giữ chân” thợ lò. Căn cứ vào kế hoạch sản xuất, trung bình mỗi năm, Công ty có nhu cầu tuyển dụng từ 150 - 300 thợ lò. Tính từ năm 2017 đến hết năm 2021, Công ty tuyển được 1.048 thợ lò. Năm 2022, Công ty đặt mục tiêu tuyển dụng hơn 200 thợ lò. Sở dĩ Than Uông Bí thu hút được thợ lò là do chính sách đối với người lao động tốt, điều kiện làm việc tốt, thu nhập đảm bảo.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Than Uông Bí, cho biết: Để thu hút được người lao động, Công ty đã cải thiện điều kiện làm việc tốt lên, đầu tư công nghệ để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, tạo thu nhập cao, ổn định đời sống cho thợ lò. Công ty luôn quan tâm chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân, như: Đầu tư xây dựng các nhà tập thể cho công nhân với đầy đủ tiện nghi. Hiện nay, Công ty có 4 khu ở tập thể cho công nhân với 373 phòng, 662 công nhân ở tập thể.
Công ty còn thường xuyên ban hành các cơ chế trả lương nhằm khuyến khích người lao động đạt năng suất, chất lượng, ngày công cao, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động; bố trí đầy đủ xe đưa đón công nhân. Riêng 6 tháng năm 2022, tiền lương bình quân của thợ lò Công ty đạt 21,6 triệu đồng/người/tháng. Vào các ngày lễ, Công ty đều bổ sung tiền lương, gặp mặt tặng quà, tổ chức cho gia đình thợ lò xuất sắc đi tham quan nghỉ dưỡng.
Đối với thu hút học sinh, Công ty đều hỗ trợ tiền khám sức khỏe, tiền tàu xe cho học sinh về quê ăn Tết, thưởng cho học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập; đồng thời, bố trí cho các em tham quan một số dây chuyền sản xuất - nơi các em học sinh chuẩn bị về gắn bó công việc sau này. Quá trình thực tập, Công ty đều chi trả tiền lương không thấp hơn 70% so với lương công nhân bình thường.
Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam là cái nôi tuyển sinh và đào tạo thợ lò cho Tập đoàn. Năm 2022, Tập đoàn giao cho nhà trường tuyển 4.300 chỉ tiêu. Hằng năm, Ban Giám hiệu nhà trường đã giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các đơn vị, cá nhân gắn với đơn giá tiền lương, thu nhập. Ông Vũ Văn Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết: Nhà trường xác định công tác tuyển sinh và đào tạo thợ lò là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, vì vậy đã dành hết nguồn lực của nhà trường trong lĩnh vực tuyển sinh đào tạo để cung cấp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các công nhân kĩ thuật, nghề khai thác lò để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để thực hiện được nhiệm vụ đó, nhà trường đã tiếp tục xây dựng phát triển củng cố các hệ thống tuyển sinh tỉnh ngoài. Hiện nhà trường đã ký quy chế phối hợp với 26 huyện thuộc 9 tỉnh, thành phố để cùng với địa phương làm công tác tuyên truyền, đưa lao động đi đào tạo và công tác tại các đơn vị thuộc TKV. Từ đầu năm 2022 đến hết ngày 30/7, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đã tuyển được 3.400 chỉ tiêu, đạt 79% kế hoạch năm.
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn, cho biết: Để thu hút học sinh học nghề mỏ hầm lò, từ nhiều năm trở lại đây, Tập đoàn đã áp dụng miễn phí toàn bộ chi phí đào tạo, ăn, nghỉ cho học sinh. Học sinh đi thực tập được trả lương và ra trường được bố trí việc làm ngay, giao việc từ dễ đến khó để làm quen. Ngày tết, các công ty hỗ trợ tiền tết, tiền đi đường như với công nhân của mỏ. Về các giải pháp dài hạn thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục tăng cường giữ chân người lao động, quan tâm thực hiện những vấn đề thiết thực, cụ thể cho công nhân như tiền lương, tiền thưởng, điều kiện làm việc, đi lại, ăn ở, xây dựng nhà ở cho công nhân…
Tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện tốt chế độ tiền lương. Công tác tuyển dụng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam và các công ty, thử nghiệm đào tạo theo hình thức truyền nghề; tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, đi lại tối ưu nhất cho người lao động.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()