Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:39 (GMT +7)
Đảm bảo tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi
Thứ 6, 13/11/2020 | 10:14:49 [GMT +7] A A
Nhằm quản lý tốt đàn vật nuôi, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm.
Cán bộ thú y xã Hải Tiến (TP Móng Cái) tiêm phòng cho đàn gia cầm trên địa bàn. |
Theo quy định phân cấp của tỉnh, các địa phương có nhiệm vụ triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm nuôi tại địa phương 2 đợt/năm, đợt 1 vào tháng 3, 4 và đợt 2 vào tháng 9,10, đây là thời điểm thích hợp để phòng bệnh cho 2 vụ nuôi chính. Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải duy trì dự trữ lượng vắc-xin dự phòng 10% theo kế hoạch tỉnh giao để phục vụ cho việc tiêm phòng bao vây dập dịch khi có các ổ dịch xảy ra tại địa phương; đảm bảo có nguồn vắc-xin cung ứng dịch vụ cho các hộ chăn nuôi có nhu cầu để tiêm phòng bổ sung đối với đàn gia súc, gia cầm mới sinh hoặc nuôi mới.
Tại TP Móng Cái, thời điểm này các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố đang đẩy mạnh việc thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi và phun khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại và môi trường xung quanh để ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong chăn nuôi vụ đông. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế thành phố, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, không phát sinh dịch nên người dân yên tâm tăng đàn, mở rộng diện tích chăn nuôi. Hiện, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố là trên 220.000 con các loại. Trong đó: Trâu trên 5.000 con; bò 6.365 con; lợn 17.972 con; gia cầm các loại trên 178.100 con...
Theo đồng chí Dương Trí Tuệ, Trưởng Phòng Kinh tế TP Móng Cái, thực hiện việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trong đợt 2 năm 2020, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường rà soát chặt chẽ các hộ chăn nuôi trên địa bàn; tuyên truyền để các hộ nắm chủ trương và thực hiện đầy đủ. Để tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao, thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn và các xã, phường thực hiện việc tiêm phòng tập trung, đúng tiến độ, đảm bảo nhanh gọn, an toàn; việc quản lý, cấp phát và sử dụng vắc xin đúng quy định, đúng đối tượng trong suốt thời gian thực hiện.
Đến nay, TP Móng Cái đã tiêm trên 145.000 liều vắc-xin các loại trên đàn vật nuôi, đạt trên 68% kế hoạch đã đề ra. Trong đó: 8.600 liều vắc-xin lở mồm long móng trên đàn lợn, đạt 61,4%; 7.624 liều vắc-xin lở mồm, long móng trên đàn trâu, bò, đạt 95,3%; trên 106.700 liều vắc-xin cúm gia cầm đạt 50%... Thành phố phấn đấu hết tháng 11 sẽ hoàn thành xong việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Cùng với TP Móng Cái thực hiện kế hoạch tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2020, hiện nay các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều đồng loạt tổ chức tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc đợt 2 năm 2020 đối với từng loại gia súc, gia cầm gồm: Đối với đàn trâu, bò, tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, bệnh tụ huyết trùng; với đàn lợn, tiêm phòng bệnh dịch tả lợn, bệnh tụ huyết trùng, lợn nái, lợn đực giống tiêm phòng bệnh lở mồm long móng; đàn gà, vịt, tiêm phòng bệnh cúm gia cầm; đàn chó mèo, tiêm phòng bệnh dại…
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), đến hết tháng 10/2020 các địa phương trong tỉnh đã tiêm được trên 2,4 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm, đạt 61,36% kế hoạch năm; vắc-xin tai xanh lợn trên 240.000 con, đạt 90,6% kế hoạch năm; vắc-xin lở mồm long móng gia súc được 74.445 con, đạt 50,03% kế hoạch năm; vắc-xin Tụ huyết trùng trâu bò được 42.152 con, đạt 66,2% kế hoạch năm; vắc-xin dịch tả lợn được 134.000 con, đạt 43,42% kế hoạch năm… Tuy nhiên, có thể thấy tỉ lệ tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh vẫn còn ở mức độ thấp.
Nguyên nhân là do nhiều hộ chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chủ động khai báo số gia cầm nuôi bổ sung, tái đàn để đăng ký mua vắc-xin và tiêm bổ sung. Việc rà soát, nắm bắt biến động tổng đàn và tiêm phòng bổ sung cho gia cầm mới sinh hoặc nuôi mới sau các đợt tiêm phòng chính vụ để khép kín miễn dịch cho quần thể vật nuôi theo yêu cầu phòng dịch của tỉnh chưa được thực hiện triệt để. Công tác tuyên truyền và tổ chức cho các hộ chăn nuôi chủ động khai báo số lượng, đăng ký tiêm phòng và cam kết thực hiện tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh nguy hiểm theo quy định của pháp luật; việc hướng dẫn các hộ chăn nuôi liên hệ và đặt mua vắc-xin tiêm phòng tại địa chỉ chính thống của Nhà nước cũng chưa được thường xuyên.
Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho biết: Để nâng cao hiệu quả tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt yêu cầu bảo hộ dịch bệnh thì tỉ lệ tiêm phòng phải đạt từ 80% tổng đàn trở lên. Vì vậy các hộ chăn nuôi cần phải thực hiện nghiêm túc quy trình tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và cán bộ thú y cơ sở.
Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng theo đúng kế hoạch, đạt chất lượng cao, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã yêu cầu các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp địa phương tích cực phối hợp với các xã, phường, thị trấn rà soát đối tượng con nuôi. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người chăn nuôi về công tác phòng ngừa dịch bệnh. Ngoài tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo định kỳ, cần coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn; nhất là khi người chăn nuôi bổ sung đàn phải tiến hành tiêm vắc–xin phòng bệnh đầy đủ, kịp thời…
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()