Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 15:36 (GMT +7)
“Đảm bảo văn minh trong các hoạt động tại di tích, lễ hội…”
Chủ nhật, 20/02/2022 | 14:53:14 [GMT +7] A A
Hàng năm trên địa bàn Quảng Ninh diễn ra rất nhiều lễ hội truyền thống. Đảm bảo tốt công tác tổ chức và quản lý lễ hội, trong đó có việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội luôn đòi hỏi sự sát sao thường xuyên và phù hợp tính chất đặc thù của mỗi lễ hội. Để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Mạnh Hà (ảnh), Giám đốc Sở VHTT tỉnh.
- Thưa ông, những năm qua, ngành văn hoá của Quảng Ninh đã có định hướng như thế nào trong việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong các lễ hội trên địa bàn?
|
+ Quảng Ninh hiện có hơn 70 lễ hội truyền thống, tập trung chủ yếu vào những tháng đầu xuân. Bám sát chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, Sở Văn hóa - Thể thao đã chủ động ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, các Ban Quản lý di tích, sư trụ trì theo hướng tổ chức lễ hội văn minh, không hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội, di tích: Bói toán, cúng bái, bắt ma, gọi vong, lên đồng...
Bên cạnh đó, việc tổ chức lễ hội cần đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí, không chặt chém, chèo kéo khách, thực hiện văn minh thương mại (công khai niêm yết giá cả), sử dụng sản phẩm văn hóa, đồ lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và văn hóa bản địa của Quảng Ninh gắn với xây dựng nông thôn mới, văn minh môi trường, văn minh đô thị, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, chống tệ nạn xã hội (trộm cắp, lừa đảo…). Thông qua đó, tuyên truyền, quảng bá nét đẹp văn hóa của người Quảng Ninh "văn minh, thân thiện".
- Không gian các di tích của Quảng Ninh cũng là nơi diễn ra nhiều lễ hội, những năm gần đây được đầu tư, tôn tạo rất nhiều, điều đó có ảnh hưởng, tác động như thế nào đến việc tổ chức các lễ hội truyền thống trên địa bàn?
+ Những năm qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh được đầu tư, tu bổ, tôn tạo và đang phát huy tốt giá trị. Việc tu bổ, tôn tạo ngoài mục đích chống xuống cấp cho các di tích, do thời gian dài phải chống chọi với thiên nhiên, mà còn đem lại những tiện ích phục vụ du khách và nhân dân.
Đó là mở rộng được không gian, tạo cảnh quan cho di tích, lễ hội với các không gian mới được bố trí hợp lý với các khu tổ chức lễ hội, khu tham quan, chiêm bái... Đó là đảm bảo vệ sinh môi trường, chống xâm lấn, xây dựng trái phép các công trình cạnh di tích, đồng thời kết nối giao thông thuận tiện mà vẫn giữ được yếu tố nguyên gốc của các di tích. Tiêu biểu có thể kể đến như: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí), Khu di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều) hay Khu di tích lịch sử đền Cửa Ông - Cặp Tiên (Cẩm Phả, Vân Đồn)...
Tuy nhiên, theo thống kê trên địa bàn hiện vẫn còn một số ít hiện tượng xâm hại trực tiếp tới di tích như khi tu bổ, tôn tạo chưa có hồ sơ xây dựng, chưa xin phép... Việc này cũng đã được Sở Văn hóa - Thể thao phát hiện và chấn chỉnh kịp thời.
- Công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh được đánh giá tốt trong nhiều năm qua. Vậy năm nay và thời điểm này hiện đang diễn ra nhiều lễ hội mùa xuân, ngành có giải pháp gì để tiếp tục duy trì tốt việc thực hiện nếp sống văn minh trong các lễ hội?
+ Chúng ta cũng đã biết, đại dịch Covid-19 đã bước sang năm thứ ba với những diễn biến nguy hiểm, khó lường, do đó cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Nhận thức được vấn đề này, ngay từ cuối năm 2021, Sở đã tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức các lễ hội đầu xuân 2022 phải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế và thực hiện theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Cụ thể là các lễ hội không tổ chức phần khai hội, chỉ tiến hành nghi thức tâm linh trong nội bộ Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức. Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn chủ động xây dựng phương án đón khách theo tinh thần tạo điều kiện để phục hồi du lịch, đóng góp vào phục hồi, phát triển kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu của tỉnh phấn đấu trong năm nay đón 9,5 triệu lượt khách du lịch, tiếp tục khẳng định Quảng Ninh là "Điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn".
- Mặc dù năm nay Quảng Ninh tiếp tục không tổ chức khai hội, nhưng người dân, du khách du xuân đến các điểm di tích tín ngưỡng, tâm linh vẫn rất đông đúc. Vậy công tác quản lý và đảm bảo văn minh trong các hoạt động du xuân tại các di tích hiện có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
+ Từ lâu, những tháng mùa xuân vẫn luôn là khoảng thời gian thích hợp để du xuân, trải nghiệm tại các di tích, lễ hội trên khắp mọi miền Tổ quốc. Quảng Ninh cũng vậy, nhiều năm qua, các di tích trên địa bàn tỉnh vẫn luôn là điểm đến lý tưởng của du khách mỗi dịp xuân về.
Năm 2022, với chính sách mới của tỉnh trong việc phục hồi kinh tế, kích cầu du lịch thì việc người dân tập trung về tham quan, chiêm bái tại các di tích, lễ hội là điều không thể tránh khỏi. Đây cũng là điểm khó khăn vì nếu số lượng người đến tham quan quá đông (như Khu di tích Yên Tử hay đền Cửa Ông) thì việc thực hiện giãn cách giữa người này với người kia sẽ rất khó kiểm soát.
Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các địa phương nghiên cứu, đưa ra các giải pháp, phương án nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ và đặc biệt tuyên truyền để nhân dân và du khách nâng cao nhận thức trong việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, lễ hội, đồng thời thực hiện nghiêm quy định 5K trong phòng chống dịch.
- Vậy khâu kiểm tra, giám sát việc tổ chức, quản lý lễ hội được ngành triển khai như thế nào trong dịp hội xuân năm nay? Qua đó, ông có đánh giá như thế nào về việc triển khai thực hiện của các địa phương trong tổ chức, quản lý lễ hội?
+ Hai năm gần đây, công tác thanh tra, kiểm tra chủ yếu tập trung vào việc chấp hành các quy định về tạm dừng các hoạt động văn hóa, thể thao, di tích - lễ hội để phòng chống dịch. Năm 2022 này, khi chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, công tác thanh, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, nắm bắt, dự báo tình hình người dân và du khách đi lễ đầu năm cũng như hướng dẫn kịp thời các địa phương, đơn vị thực hiện đúng các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái tại di tích.
Đến nay tại các điểm di tích, người dân và du khách đến tham quan, dâng lễ đều an tâm, an toàn, văn minh lịch sự và thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và xử lý các sai phạm (nếu có) tại các di tích để phục vụ tốt nhu cầu nhân dân, du khách đầu xuân mới cũng như trong cả năm.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()