Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 19:12 (GMT +7)
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Thứ 4, 19/07/2023 | 10:38:25 [GMT +7] A A
Xác định công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm sức khỏe của nhân dân, các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, các cơ quan chức năng đã vào cuộc hết sức quyết liệt, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 47.360 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó: Ngành Y tế quản lý 9.253 cơ sở, ngành Công Thương quản lý 10.072 cơ sở, ngành Nông nghiệp quản lý 28.035 cơ sở. Để tăng cường công tác quản lý ATTP trên địa bàn, các sở, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai Quyết định số 3816/QĐ-UBND ngày 23/12/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023 và kế hoạch kiểm tra của các sở, ban, ngành, địa phương. Đồng thời phối hợp chặt chẽ thanh, kiểm tra trong các đợt cao điểm về ATTP (Tết Nguyên đán, Trung thu, Tháng hành động vì ATTP...).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện thanh, kiểm tra 4.746 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; qua đó phát hiện 487 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính trên 3,4 tỷ đồng, tịch thu, tiêu hủy trên 20 tấn thực phẩm không bảo đảm an toàn của trên 100 tổ chức, cá nhân, giá trị hàng tiêu hủy hàng tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Phú Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), công tác thanh tra, kiểm tra thời gian qua đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế với các cơ quan chuyên ngành quản lý ATTP, sở, ban, ngành, địa phương liên quan. Qua đó góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhiều vi phạm về ATTP được phát hiện kịp thời, xử lý kiên quyết, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bước đầu tuyến xã đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về ATTP theo phân cấp.
Bên cạnh công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất thực phẩm cần nâng cao vai trò, trách nhiệm về đảm bảo ATTP. Tỉnh đã tạo điều kiện phát triển 7 trung tâm thương mại, 11 siêu thị tổng hợp có kinh doanh thực phẩm, 142 chuỗi cửa hàng tiện lợi, 26 điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP và hàng nghìn điểm cung cấp hàng hóa phân bố đều tại các địa phương trong tỉnh; hơn 260 sản phẩm OCOP của tỉnh đạt chuẩn được đưa lên các sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn...
Tỉnh tiếp tục quan tâm xây dựng mô hình sản xuất an toàn, nhân rộng, mở rộng các chuỗi, góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn, tăng cường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Toàn tỉnh hiện có 1.095ha canh tác hữu cơ được chứng nhận VietGAP với 94 cơ sở; 428 cơ sở sản xuất nông sản, thủy sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), quy trình vận hành tiêu chuẩn vệ sinh (SSOP), phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP); 46 vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng sẵn sàng xuất khẩu; 7 cơ sở đóng gói.
Ngành Y tế tỉnh xây dựng, nhân rộng mô hình điểm về ATTP tại: Công ty Than Vàng Danh - Vinacomin; Bệnh viện Bãi Cháy; Công ty CP Sun Hospitality Group - Chi nhánh Premier Village Hạ Long (Cơ sở Premier Village Ha Long Bay Resort); Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam; Công ty Than Thống nhất - TKV; Công ty Than Quang Hanh - TKV.
Ngành tiếp tục duy trì nâng cao năng lực kiểm nghiệm ATTP nhằm phát hiện nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, đáp ứng yêu cầu phục vụ quản lý nhà nước về ATTP; đầu tư kiện toàn, củng cố hệ thống xét nghiệm ATTP thuộc CDC Quảng Ninh phù hợp theo Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017, ISO/IEC 15189:2012, duy trì tốt 165 chỉ tiêu kiểm nghiệm ATTP; kiểm nghiệm nhanh ATTP được thực hiện tại 13/13 địa phương.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()