Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:28 (GMT +7)
Hướng tới kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập huyện Đầm Hà 1/11 Đầm Hà: Đa dạng hóa nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo bền vững
Thứ 5, 28/10/2021 | 08:53:08 [GMT +7] A A
Những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững ở huyện Đầm Hà đạt được nhiều kết quả nổi bật, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa các địa phương, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người dân. Một trong những giải pháp được tập trung thực hiện đó là lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án, huy động xã hội hóa.
Với xuất phát điểm thuộc diện khó khăn nhất của huyện Đầm Hà, xã Quảng Lâm những năm gần đây đang có nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo bền vững. Có thể nói, chính từ việc triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, sử dụng hợp lý các nguồn lực hỗ trợ đã giúp Quảng Lâm có thêm động lực bứt phá mạnh mẽ. Cụ thể như năm 2017, 81 hộ thuộc 8 bản trong xã đăng ký tham gia mô hình “nuôi bò sinh sản” và được trao mỗi hộ 1 con bò để làm vốn làm ăn.
Hằng năm, xã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề trồng trọt, chăn nuôi cho lao động nông thôn. Các cấp Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội LHPN cùng vào cuộc hướng dẫn bà con những mô hình, kinh nghiệm sản xuất nông, lâm nghiệp hiệu quả, hỗ trợ vốn vay tín chấp, hỗ trợ các gia đình khó khăn về nhà ở được xây, sửa nhà để sớm “an cư lạc nghiệp”...
Chương trình xây dựng NTM và các nguồn xã hội hóa khác được đầu tư cho cơ sở hạ tầng kinh tế, tập trung nâng cấp đường giao thông để thuận lợi cho nhân dân đi lại, làm ăn.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Bổng, kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo là phải làm tốt ngay từ các khâu tuyên truyền, vận động, phổ biến các nghị quyết, chủ trương, chính sách cho người dân hiểu rõ; khích lệ ý chí quyết tâm thoát nghèo, từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận nhân dân; nắm chắc nhu cầu của các nhóm đối tượng (thiếu vốn làm ăn, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu kiến thức...).
Nhờ cách làm đó, đến nay, trên địa bàn đã có hàng chục mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, phát huy tốt những lợi thế về lâm nghiệp, nông nghiệp. Những nếp nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều, sát bên những con đường bê tông rộng rãi và hệ thống điện sinh hoạt phủ kín toàn xã. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của Quảng Lâm từ cao nhất huyện, giờ chỉ còn 0,83%...
Một điển hình khác về giảm nghèo bền vững tại huyện Đầm Hà phải kể đến, đó là Tân Lập - xã đầu tiên trong toàn huyện không còn hộ nghèo, cận nghèo vào năm 2019. Có được thành quả này, cấp ủy, chính quyền xã đã rất nỗ lực để tranh thủ hỗ trợ của tỉnh và huyện, ưu tiên phát triển hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân sản xuất phát triển kinh tế.
Mặt khác, trước khi xã tổ chức, xây dựng các đề án, mô hình sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật..., người dân đều được mời đóng góp ý kiến, thảo luận và chủ động lựa chọn được cách làm phù hợp nhất cho mình. Ngoài ra, các lớp đào tạo nghề, chương trình vay vốn tín dụng từ ngân hàng chính sách cho các hộ nghèo, cận nghèo được người dân tích cực tham gia.
Cùng giống như Quảng Lâm, Tân Lập, các xã, thị trấn của huyện Đầm Hà đều đã rất nỗ lực, linh hoạt để thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ, ưu đãi của trung ương, của tỉnh. Các địa phương đều tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, các công trình sản xuất, dân sinh đồng bộ; phát huy hiệu quả các chính sách ưu đãi phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế địa phương, như: Hỗ trợ vốn tự tạo việc làm, học nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ về nhà ở xã hội, học phí, viện phí; hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên; trao tặng công cụ sản xuất... Đặc biệt, MTTQ và các tổ chức CT-XH huyện cũng đã vào cuộc trách nhiệm, rõ trọng tâm, trọng điểm, gồm hàng loạt các phần việc như: Kết nối với một số doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm để trao quà hỗ trợ cho các trường hợp hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ xây, sửa nhà tình thương; tăng cường giám sát việc triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo...
Giảm nghèo bền vững không phải là thành tích để thi đua, mà đã trở thành nhiệm vụ chính trị hàng đầu, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống người dân. Từ quyết tâm đó, đến hết năm 2020, kết quả giảm nghèo của huyện Đầm Hà đều đạt và vượt mục tiêu kế hoạch huyện đề ra và tỉnh giao: Có 6/9 xã, thị trấn không còn hộ nghèo; toàn huyện chỉ còn 16 hộ nghèo (bằng 15% dân số huyện) và 181 hộ cận nghèo (bằng 1,67% dân số huyện). An sinh xã hội được đảm bảo sẽ là điều kiện quan trọng góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của địa phương.
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()