Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:10 (GMT +7)
Đầm Hà: Phát triển thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao
Thứ 5, 21/10/2021 | 16:42:40 [GMT +7] A A
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Đầm Hà đã chủ động, mạnh dạn triển khai các quy hoạch về sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng liên kết trong sản xuất hàng hóa. Qua đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Đầm Hà sớm trở thành vùng trọng điểm sản xuất, chế biến nông sản của tỉnh.
Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện chủ trương xây dựng Đầm Hà trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Huyện đã tích cực triển khai các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn; thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Đối với lĩnh vực thủy sản, đến nay trên địa bàn huyện Đầm Hà đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung thâm canh với các đối tượng nuôi chủ lực như tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể, cá biển các loại. Công ty TNHH Thủy sản Việt Úc Quảng Ninh đầu tư xây dựng Dự án sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính, quy mô 187,8ha, công suất 8 tỷ con giống/năm, năng suất nuôi tôm thương phẩm khoảng 100 - 300 tấn/ha mặt nước nuôi/năm, tương đương 5.800-17.400 tấn/năm.
Hiện nay, Công ty đã hoàn thành xây dựng và đã đưa vào sử dụng 24 nhà sản xuất ương dưỡng ấu trùng, nhà máy xử lý nước theo công nghệ tiên tiến, phòng xét nghiệm dịch bệnh, lắp đặt vận hành mô hình nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao trong nhà màng và đang tiếp tục thực hiện xây dựng các nhà sản xuất giống. Công ty đã tổ chức sản xuất và ương dưỡng chuyển giao công nghệ nuôi tôm thương phẩm, cung cấp giống tôm thẻ chân trắng ra thị trường Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc được gần 2 tỷ post tôm giống. Riêng trong năm 2020, Công ty đã sản xuất được 1,4 tỷ giống tôm thẻ chân trắng cung cấp ra thị trường.
Từ đầu năm đến nay, Công ty đã sản xuất, cung ứng ra thị trường các tỉnh phía Bắc 700 triệu tôm giống. Hiện nay, Công ty đã nghiên cứu, sản xuất thành công giống tôm chịu lạnh để nuôi vào mùa đông; phối hợp các nhà khoa học đầu ngành nghiên cứu, sản xuất giống sá sùng và bào ngư để triển khai giai đoạn 2 của Dự án.
Huyện Đầm Hà cũng đã hỗ trợ HTX sản xuất và nuôi trồng Thủy sản Bắc Việt sản xuất các loại giống cá biển cung ứng cho người nuôi. Đến nay, HTX đã sản xuất được 5,5 triệu giống cá biển, 10 triệu giống hàu Thái Bình Dương và 5 triệu giống tu hài mỗi năm.
Hiện nay, huyện đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà, với tổng diện tích là 169,5ha, đang dần hiện thực hóa mục tiêu đưa huyện Đầm Hà trở thành vùng trọng điểm về sản xuất giống thủy sản công nghệ cao.
Đối với trồng trọt, Đầm Hà luôn duy trì quy mô diện tích gieo trồng trên 6.000 ha/năm; tổng sản lượng lương thực (cây có hạt) luôn đạt trên 18.000 tấn. Huyện đã vận động người dân chuyển đổi diện tích đất rừng trồng hiệu quả thấp sang trồng cây có múi; dồn điền, đổi thửa phát triển sản xuất công nghệ cao; hình thành các vườn cây ăn quả, trang trại tổng hợp. Một số sản phẩm nông sản hàng hóa bước đầu được xây dựng nhãn hiệu, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng theo chương trình OCOP.
Từ năm 2018, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà đã triển khai dự án sản xuất rau an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại thôn Tân Thanh, xã Quảng Tân. Công ty thuê 5ha đất của nhân dân thôn Tân Thanh, đầu tư hơn 15 tỷ đồng cho các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng diện tích nhà lưới, lắp đặt nhà màng để áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất… Hiện nay, Công ty đang trồng dưa chuột, dưa lưới theo công nghệ Israel, sản lượng đạt trên 20 tấn dưa chuột, 70 tấn dưa lưới. Công ty cũng đang tập trung phát triển các loại rau sạch, rau thủy canh trong nhà màng, mở rộng diện tích trồng rau ngoài trời với nhiều loại rau ăn lá theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đầm Hà đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung. Hiện toàn huyện có 60 trang trại chăn nuôi. Huyện đã quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, triển khai các cơ chế khuyến khích áp dụng công nghệ cao, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng hiệu quả trong chăn nuôi. Huyện đã đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi; hỗ trợ Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Tuyền Hiền phát triển chăn nuôi gia cầm với nhãn hiệu “Gà bản Đầm Hà”, xây dựng cơ sở sản xuất giống “Gà bản Đầm Hà” bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Hiện nay, HTX duy trì đàn gà giống bố, mẹ trên 1.000 con, hàng năm xuất bán ra thị trường 10 vạn gà con giống; liên kết thu mua tiêu thụ trên 130 tấn gà thương phẩm cho các nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch và các siêu thị trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, hiện nay huyện Đầm Hà đang cùng với các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để triển khai đầu tư các dự án quy mô lớn trong chăn nuôi trên địa bàn huyện, như: Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết với người dân tại huyện Đầm Hà; dự án Trung tâm sản xuất giống và chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Dực Yên của Công ty Cổ phần chăn nuôi MAVIN.
Với những giải pháp quan trọng, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện Đầm Hà đã đạt được những kết quả quan trọng. Ngành nông nghiệp đã chuyển dịch đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng lĩnh vực, đặc biệt là lợi thế về phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Bước đầu huyện hình thành một số vùng sản hàng hóa nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tốc độ tăng bình quân sản xuất nông, lâm, thủy sản của Đầm Hà trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,65%/năm.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()