Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:22 (GMT +7)
Đầm Hà: Đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau
Thứ 4, 29/12/2021 | 09:07:32 [GMT +7] A A
Với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, huyện Đầm Hà đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực phát triển bền vững KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân.
Nỗ lực trong bối cảnh dịch Covid-19
Trước bối cảnh khó khăn chung do đại dịch Covid-19, huyện Đầm Hà luôn xác định việc thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội sẽ góp phần quan trọng để địa phương thực hiện thành công “mục tiêu kép”. Đặc biệt là tập trung triển khai kịp thời Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh... để hỗ trợ kịp thời cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Đến nay huyện đã hoàn thành hỗ trợ, với tổng số tiền hỗ trợ các trường hợp là trên 2,7 tỷ đồng. Gồm: 9 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động do dịch Covid-19; 44 đơn vị và 633 lao động được hỗ trợ giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 46 đơn vị và 549 cá nhân được hỗ trợ giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); giải quyết hồ sơ hỗ trợ từ BHTN cho 540 NLĐ đang tham gia BHTN và 57 NLĐ đã dừng tham gia BHTN... Các cơ quan chức năng cũng đã kịp thời giám sát để đảm bảo minh bạch, chính xác từ khâu rà soát, xét hồ sơ, đến chi trả cho từng cá nhân, đơn vị; đến nay chưa ghi nhận bất kỳ phản ánh, kiến nghị nào của người dân, doanh nghiệp về công tác này.
Ngay từ các đơn vị, doanh nghiệp cũng rất chủ động để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Đơn cử như Công ty TNHH Chế biến sản xuất gỗ Thanh Lâm (xã Tân Bình, huyện Đầm Hà) là đơn vị có 150 NLĐ thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP. Để NLĐ dễ dàng tiếp cận chính sách, Công ty đã chủ động phối hợp với BHXH huyện để rà soát đầy đủ, chính xác về từng người trong từng bộ phận, phân xưởng có đủ điều kiện nhận trợ cấp theo quy định; phối hợp ngân hàng đến tận công ty để mở tài khoản miễn phí cho người lao động để thuận lợi cho việc nhận tiền trợ cấp.
Ngoài các chính sách theo quy định, Công ty cũng đã hỗ trợ 100.000 đồng/người/ngày cho các lao động phải nghỉ làm do sống trong địa bàn tạm thời phong tỏa, hoặc thuộc diện F0 phải cách ly điều trị, là F1 cách ly tại nhà... trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn huyện trong tháng 11 vừa qua. Có một số trường hợp có nhu cầu ở lại nhà tập thể của Công ty để tiếp tục làm việc, Công ty cũng hỗ trợ toàn bộ chi phí điện, nước sinh hoạt. Nhờ được quan tâm, chăm lo quyền lợi, cán bộ, người lao động tại Công ty đều yên tâm gắn bó với công việc, đoàn kết cùng vượt qua những thử thách khi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, kéo dài.
Các chương trình, hoạt động an sinh xã hội khác cũng đã được các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể huyện Đầm Hà tích cực triển khai, hướng tới những người yếu thế trong cộng đồng. Cụ thể như trao tặng khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, hỗ trợ lương thực, thực phẩm... cho các hộ gia đình thuộc diện cách ly y tế, nằm trong địa bàn tạm thời phong tỏa. Các tổ chức Công đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên... chủ động vào cuộc, huy động các cá nhân, đơn vị hảo tâm và cả cộng đồng cùng chung tay, góp sức; triển khai tốt các mô hình Tổ phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng...
Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng
Không chỉ trong “thời kỳ Covid-19”, bảo đảm an sinh xã hội đã luôn được huyện Đầm Hà xác định là nhiệm vụ quan trọng, thực hiện thường xuyên, liên tục trên đồng thời nhiều lĩnh vực. Như: Giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, phát triển hệ thống bảo hiểm, ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, tạo điều kiện để người dân được thụ hưởng dịch vụ tốt hơn về văn hóa, y tế, giáo dục... Các chủ trương, nghị quyết chuyên đề gắn với thực hiện công tác an sinh xã hội bám sát yêu cầu thực tiễn địa phương và chỉ đạo chung từ cấp tỉnh luôn được chú trọng xây dựng, triển khai. Cụ thể như: Nghị quyết về phát triển giáo dục và đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao huyện Đầm Hà giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án đào tạo nghề trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp, người dân...
Đơn cử thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác giải quyết việc làm cho NLĐ nông thôn, là yếu tố quan trọng trong nhiệm vụ giảm nghèo bền vững. Các xã, thị trấn được quán triệt phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề... được lồng ghép tuyên truyền thường xuyên tại các buổi sinh hoạt chi bộ, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên 1.300 lao động toàn huyện đã được giải quyết việc làm phù hợp với nhu cầu, điều kiện. Các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp ngắn hạn thu hút hơn 120 học viên tham gia; 7 lớp nghề trung cấp do Trung tâm GDNN-GDTX huyện, Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam, Trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng phối hợp tổ chức duy trì hiệu quả với trên 300 học viên.
Trong công tác trợ giúp xã hội, Phòng LĐ-TB&XH là đơn vị nòng cốt để tham mưu cho huyện trong việc nắm rõ từng trường hợp, địa bàn. Từ đó làm cơ sở cho việc chi trả trợ cấp chính xác cho toàn bộ 1.800 người thuộc diện bảo trợ xã hội của địa phương. Công tác trợ cấp hằng tháng, thăm tặng quà dịp lễ, tết, mừng thọ, hỗ trợ xây, sửa nhà ở... Đây là điều kiện quan trọng góp phần tạo đà cho sự phát triển toàn diện và bền vững của địa phương.
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()