Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 04:43 (GMT +7)
Đầm Hà: Hỗ trợ sinh kế cho người dân
Thứ 4, 28/09/2022 | 08:33:50 [GMT +7] A A
Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế được triển khai có hiệu quả đã và đang là “chìa khóa” cho mục tiêu giảm nghèo bền vững của huyện. Người dân không chỉ nhận hỗ trợ một cách thụ động, mà đã chủ động, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Anh Lưu Văn Bình là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu ở thôn Tân Tiến (xã Tân Bình), thành công trong mô hình nuôi gà thương phẩm. Khởi nghiệp từ năm 2016 với đàn gà 300 con thử nghiệm với không ít lần thất bại, đến nay anh đã phát triển đàn gà lên gần 7.000 con, gồm cả giống gà hồ Bắc Giang và gà bản Đầm Hà. Mỗi lứa gà xuất bán cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận gần 700 triệu đồng/năm. Anh Bình cho biết: Những năm qua cấp ủy, chính quyền, nhất là các cấp hội nông dân luôn tạo điều kiện, đồng hành, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, như vay tín chấp lãi suất thấp từ Quỹ Hỗ trợ nông dân; các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt... đã giúp anh thêm mạnh dạn, quyết tâm khởi nghiệp và thành công.
Đã có hàng trăm đoàn viên, hội viên trong huyện được tạo điều kiện tối đa để phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Ngân hàng CSXH huyện đã thực hiện có hiệu quả phương thức cho vay ủy thác thông qua các tổ chức đoàn thể, hiện tổng dư nợ gần 270 tỷ đồng với trên 3.800 khách hàng vay vốn. Các mô hình, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất ở vùng nông thôn, miền núi được đẩy mạnh, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện.
Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Huyện rà soát thực tế nhu cầu của người dân các xã, thôn để xây dựng kế hoạch, lựa chọn mô hình hỗ trợ sản xuất sao cho hiệu quả, sát thực tế nhất. Đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, DTTS, công tác trợ giúp sẽ linh hoạt bằng cách tư vấn, tạo việc làm, cho vay vốn ưu đãi; ưu tiên các mô hình tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ nghề nghiệp, nhằm khuyến khích các hộ nhỏ lẻ tích cực liên kết sản xuất theo chuỗi. Đến nay huyện có 174ha cây ăn quả các loại, 5 HTX và 178 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng; sản lượng vỏ quế tươi hằng năm từ 600-1.000 tấn, 1/3 trong đó được chế biến và xuất bán ra nước ngoài.
Huyện có những chính sách khuyến khích hoạt động của các cơ sở chế biến, tiêu thụ nông, lâm sản tại địa phương thay vì chỉ sản xuất thô; phát triển các sản phẩm là thế mạnh của địa phương, như gà bản, củ cải, gạo bao thai, trứng vịt biển, hải sản chế biến... Hỗ trợ sản xuất đã giúp người dân dám nghĩ, dám làm, thay đổi thói quen canh tác, chuyển sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng KHKT; người nghèo không còn tư tưởng ỷ lại, thụ động.
Từ năm 2019 đến nay, huyện đẩy mạnh đưa nông sản phẩm Đầm Hà lên sàn thương mại điện tử, các kênh phân phối lớn trong nước, như postmart.vn, voso.vn... Huyện đã phê duyệt dự án mở website quảng cáo, bán hàng với 8 đơn vị tham gia, có sản phẩm OCOP đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh trở lên. Qua đó giúp các cơ sở gặp gỡ nhiều bạn hàng, trao đổi thông tin, nâng cao chất lượng, vị thế sản phẩm...
Trong những năm qua kinh tế trên địa bàn huyện được duy trì, phát triển với tốc độ tăng bình quân đạt 14,17%,cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực: Nông nghiệp chiếm 39,13%, thương mại - dịch vụ 31,88%, công nghiệp - xây dựng 28,99%, lao động chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Ước 9 tháng năm 2022, giá trị sản xuất trên 3 lĩnh vực của Đầm Hà ước đạt 4.785 tỷ đồng, bằng 69,2% kế hoạch năm, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 1.924 tỷ đồng, bằng 69,2% kế hoạch năm, tăng 20,8% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN, XDCB đạt 1.404 tỷ đồng, bằng 67,5% kế hoạch năm, tăng 32,3% so với cùng kỳ; tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 1.457 tỷ đồng, bằng 71,1% kế hoạch năm, tăng 22,8% so với cùng kỳ. |
Thái Cảnh
Liên kết website
Ý kiến ()