Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:05 (GMT +7)
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Chìa khóa giảm nghèo bền vững
Thứ 6, 18/03/2022 | 08:18:13 [GMT +7] A A
Tỉnh xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành đội ngũ có tay nghề cao, đồng thời góp phần hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã và đang được tỉnh quan tâm thực hiện. Từ năm 2000 trở về trước, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tỉnh thực hiện theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 (UBND tỉnh phê duyệt năm 2011). Các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó gắn việc rà soát, xác định danh mục nghề đào tạo với làm tốt công tác định hướng, tư vấn cho lao động nông thôn trong việc lựa chọn nghề, tham gia học nghề và giải quyết việc làm sau quá trình đào tạo.
Công tác đào tạo nghề đã bám sát nhu cầu thực tiễn của từng vùng miền, địa phương, phù hợp với nguyện vọng của người lao động, chủ yếu là các lĩnh vực: Chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng rừng; nuôi trồng thủy sản; kinh doanh dịch vụ; cơ khí… Nhờ đó, trong nhiều năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, định hướng cho nhiều lao động có tay nghề cao, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo hiệu quả.
Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo hơn 31.000 lao động nông thôn. Qua giám sát của các ngành, địa phương, gần 87% người lao động sau đào tạo đã được tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động, được doanh nghiệp nhận ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Hàng nghìn lao động sau đào tạo đã tự thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ, nhóm sản xuất. Nhiều lao động vẫn tiếp tục làm nghề cũ, nhưng năng suất, thu nhập tăng lên. Từ năm 2011 đến nay có hơn 1.000 hộ gia đình có người tham gia học nghề đã thoát nghèo; hơn 4.100 hộ trở thành hộ khá.
Chị Vũ Thị Lợi (thôn Voòng Tre, xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn) đang phát triển mô hình kinh tế vườn ao chuồng. Được tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là chăn nuôi gia súc, gia cầm, chị đã mở rộng mô hình chăn nuôi của gia đình, áp dụng đúng những gì đã được đào tạo qua các lớp học nghề do địa phương tổ chức như: Chăm sóc, đảm bảo nguồn thức ăn, tiêm phòng để phòng ngừa dịch bệnh. Riêng chăn nuôi gà, gia đình chị thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng...
Năm 2021, Quảng Ninh không còn thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, tỉnh và các địa phương vẫn tiếp tục vận động lao động nông thôn tham gia đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Theo đó, đào tạo nghề dưới 3 tháng cho lao động, trong đó có lao động nông thôn, được thực hiện theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp để doanh nghiệp tuyển dụng lao động vào làm việc ổn định; đào tạo nghề theo các mô hình thí điểm có hiệu quả; đào tạo và hỗ trợ lao động tự tạo việc để phát triển kinh tế hộ gia đình; ưu tiên hỗ trợ đào tạo cho các đối tượng là nông dân nòng cốt tại các địa phương. Đối với các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, được đào tạo gắn với mùa vụ, với điều kiện sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi và gắn với chương trình OCOP của tỉnh.
Năm 2021, công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ qua đào tạo tăng lên 85%. Đã giới thiệu, cung ứng 14.293 lao động cho các doanh nghiệp; phối hợp tổ chức đào tạo 4.747 lao động; bồi dưỡng kỹ năng nghề cho 123 nhà giáo; bồi dưỡng kỹ năng nghề nâng bậc cho 3.367 lao động. Mục tiêu đào tạo năm 2022 của tỉnh là đào tạo nghề nghiệp mới cho 38.500 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85,85%; trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 47,5%
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()