Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 14:21 (GMT +7)
Tạo động lực trong công tác giảm nghèo
Thứ 5, 14/07/2022 | 09:22:36 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, công tác giảm nghèo được quan tâm thực hiện và trở thành một trong những mục tiêu quan trọng suốt quá trình phát triển KT-XH của Quảng Ninh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định chỉ tiêu: Tỷ lệ giảm nghèo duy trì mức giảm trung bình 0,8%/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn dưới 1%.
Tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo mới của Chính phủ đầu năm 2021 cho thấy, Quảng Ninh còn 1.526 hộ nghèo, chiếm 0,41% tổng số hộ dân. Phần lớn những hộ này tập trung ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo. Bởi vậy, tỉnh đã ban hành, lồng ghép các chính sách phù hợp trong công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Những cú huých từ các chính sách
Một trong những chủ trương tác động lớn đến công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh phải kể đến Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng với đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó ngân sách các cấp dành khoảng 4.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình... Đồng thời ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình này gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở này, hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và ban hành kế hoạch giảm nghèo...
Theo đó, tỉnh tập trung đầu tư mạnh về hạ tầng KT-XH ở các xã trên địa bàn, đặc biệt là các xã vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, như hỗ trợ đầu tư 101 hạng mục hạ tầng thiết yếu, trong đó có 26 công trình giao thông, 30 công trình thủy lợi, 15 công trình giáo dục, 6 công trình y tế, 10 công trình văn hóa, 2 công trình chợ thương mại, 12 công trình nước sinh hoạt. Tiếp tục triển khai một số dự án giao thông kết nối vùng động lực với vùng khó khăn và các cửa khẩu trên địa bàn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế bền vững.
Về phía các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, đã xây dựng kế hoạch xác định rõ mục tiêu, đối tượng, địa chỉ giảm nghèo hằng năm, như huyện Bình Liêu xác định mục tiêu năm 2022 tiếp tục giảm 278 hộ nghèo, 200 hộ cận nghèo; huyện Ba Chẽ xác định giảm 135 hộ nghèo, 160 hộ cận nghèo...
Chuyển biến từ cơ sở
Trước hết, các địa phương đã chủ động thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất; khuyến khích bà con đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững, phát huy những sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương.
Từ giữa năm 2021 đến tháng 4/2022, đã có 221 hộ dân trên địa bàn tỉnh trồng 354,08ha rừng, với tổng kinh phí hỗ trợ 4,48 tỷ đồng, 65 hộ vay vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH với kinh phí 2,662 tỷ đồng. Các sở, ngành, địa phương còn nỗ lực đẩy mạnh chương trình hỗ trợ tạo việc làm để tăng thu nhập cho người lao động. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, có khoảng 6.000 lao động trên địa bàn tỉnh được tạo việc làm, góp phần ổn định cuộc sống.
Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực vận động doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ cho công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Qua đó, 6 tháng năm 2022 đã tiếp nhận hỗ trợ được 11,955 tỷ đồng, 1.000 tấn xi măng, 24.000 viên ngói, 200.000 viên gạch phục vụ xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo trên địa bàn.
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” cũng được triển khai mạnh mẽ, tạo sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân. Nhờ vậy, toàn tỉnh đã tặng máy tính, thiết bị đủ điều kiện, miễn phí cước lắp đặt đường truyền, cước kết nối Internet cho 2.773 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn để học tập trực tuyến tại nhà.
Các địa phương còn chủ động rà soát, nắm bắt hoàn cảnh của các hộ nghèo, cận nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, tiếp tục phân công các ngành, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ hộ thoát nghèo... UBND các địa phương đã phối hợp với BHXH tỉnh tiếp tục thực hiện chi trả 100% kinh phí hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho người dân sinh sống tại các xã mới ra khỏi vùng khó khăn, người đang sinh sống tại xã, thôn mới thoát diện đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn. Thực hiện các chính sách theo quy định của Nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, duy trì hoạt động thăm hỏi, tặng quà trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dân với 275.445 đối tượng, tổng kinh phí 135,5 tỷ đồng.
Việc thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng được tăng cường. Đến tháng 6/2022 đã thực hiện hỗ trợ đối với 490.685 người lao động và 6.350 người sử dụng lao động, với tổng số tiền hỗ trợ 787,332 tỷ đồng.
Nhờ linh hoạt lồng ghép các chính sách, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt hiệu quả cao, tính đến hết tháng 6/2022 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,36%.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Văn Độ: Đồng hành cùng nông dân trong giảm nghèo, phát triển kinh tế
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân trong thực hiện công tác giảm nghèo. Cùng với đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ hỗ trợ nông dân các cấp; đẩy mạnh hoạt động phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt… để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn vay cho hội viên, nông dân.
Tổ chức hoạt động phối hợp đào tạo nghề phù hợp với từng đối tượng nông dân; phối hợp mở các lớp đào tạo nghề nâng cao, đào tạo nghề cơ bản, đào tạo nghề bằng hình thức nông dân dạy nông dân, đặc biệt chú trọng đối tượng nông dân bị thu hồi đất do GPMB, nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình nông dân dạy nông dân, trong đó phấn đấu mỗi địa phương tổ chức được ít nhất một cuộc gặp mặt, hội nghị, hội thảo để các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trao đổi, chia sẻ kiến thức. Triển khai các hoạt động cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp. Phối hợp tổ chức hội thảo về xúc tiến thương mại, liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân, hội viên...
Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn: Nỗ lực nâng cao đời sống nhân dân
Cùng với tập trung phát triển KT-XH, những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được thành phố quan tâm, sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Hằng năm, thành phố cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo thông qua nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ của Thành ủy, nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH của HĐND thành phố, kế hoạch giảm nghèo của UBND thành phố. Trên cơ sở đó, các phòng chuyên môn phối hợp cùng UBND các xã, phường khảo sát, đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, xây dựng kế hoạch chi tiết và đưa ra các giải pháp phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện của các hộ để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo đó, hết năm 2021, thu nhập bình quân đầu người tại các xã khu vực nông thôn của TP Hạ Long đạt 61,24 triệu đồng (cao hơn 9,34 triệu đồng so với mức bình quân chung của tỉnh); các xã không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95,5% dân số.
Để tạo “cần câu” cho các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, thành phố xác định phát triển kinh tế cho hộ dân là một trong những giải pháp quan trọng, từ đó đẩy mạnh hỗ trợ các mô hình sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho nhân dân. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho người dân các xã vùng xa có điều kiện kết nối thuận lợi. Cùng với đó, tích cực huy động nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm trên địa bàn. Qua đó, tạo động lực hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo về nhà ở, tư liệu sản xuất, việc làm... để người dân vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Liêu Ngô Văn Mậu: Tham mưu huyện triển khai đồng bộ các giải pháp
Năm 2022, huyện Bình Liêu xác định giảm tối thiểu 287 hộ nghèo, 200 hộ cận nghèo, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Bởi vậy, Phòng LĐ-TB&XH tiếp tục chủ động tham mưu cho UBND huyện, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của huyện về chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị có liên quan, các xã, thị trấn trong triển khai công tác giảm nghèo, đảm bảo kế hoạch đề ra.
Thời gian tới, huyện cũng tập trung triển khai thực hiện tốt chế độ tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề; thực hiện các mô hình liên kết sản xuất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Tiếp tục rà soát triển khai mở bổ sung các lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho lao động nông thôn, quan tâm tập huấn các đối tượng lao động chưa qua đào tạo để các xã, thị trấn đạt tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Tập trung các giải pháp, chỉ đạo giải quyết việc làm cho người lao động giúp nâng cao thu nhập; phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, các công ty tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh tổ chức hội nghị tư vấn tuyển sinh đào tạo, đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp...
Chị Triệu Thị Thúy (thôn Tân Ốc 1, xã Đồng Sơn, TP Hạ Long): Chuyển đổi trồng cây lâu năm để phát triển kinh tế
Trước kia, kinh tế gia đình tôi chỉ trông chờ vào việc trồng cây keo. Nhưng sau khi thu hoạch, thu nhập không cao mà lại làm cho xấu đất, vụ trồng tiếp theo cây khó phát triển. Vì vậy, thu nhập vẫn cứ bấp bênh, nghèo vẫn hoàn nghèo. Mỗi khi cần sắm sửa, hay mua sách vở, quần áo cho con đều không có.
Bởi vậy, khi được cán bộ xã vận động, tuyên truyền về chủ trương trồng cây lâu năm cho kinh tế cao, gia đình tôi xung phong đi đầu chuyển sang trồng quế, bạch đàn. Cây quế đã trồng được hơn 2 năm, gia đình tôi hy vọng đây là cây trồng cho thu nhập cao để thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()