Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 21:10 (GMT +7)
Đầm Hà: Kinh tế tập thể tiếp sức cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 5, 17/10/2024 | 05:50:53 [GMT +7] A A
Huyện Đầm Hà có 9 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ 31,67% dân số toàn huyện. Trong giai đoạn 2019 – 2024, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn, đặc biệt là kinh tế tập thể. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.
Xã Quảng An (huyện Đầm Hà) có dân số 5.426 người với tỉ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 73%. Với định hướng phát triển kinh tế dựa trên những tiềm lực về thiên nhiên, cảnh quan, con người và các nét văn hóa đặc trưng, UBND xã Quảng An đã xây dựng và triển khai “Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây cũng là cơ sở để thúc đẩy người dân phát triển kinh tế tập thể gắn với chuyển đổi số.
Đến nay, trên địa bàn xã đã có 2 hợp tác xã (HTX) với hơn 30 thành viên tham gia, gồm: HTX Sản xuất mật ong rừng Ba Nhất; HTX Thương mại dịch vụ - du lịch Bạch Vân; 2 tổ hợp tác phát triển cây dược liệu với trên 90% thành viên là người đồng bào DTTS. 6/11 thôn có sản phẩm đặc trưng như gạo chất lượng cao J02, cây Bách bộ, địa liền, măng tre, thịt trâu khô… Gần đây, một số sự kiện kích cầu, thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm các sản phẩm nông sản, dược liệu của địa phương được tổ chức, như: Chợ phiên Ba Nhất, Chương trình chào hè, Tết Độc lập và trải nghiệm ẩm thực Miền Sán Cố xã Quảng An… Qua đó, thu hút trên 10.000 lượt khách trong và ngoài huyện. Đặc biệt, xã triển khai 11 tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động hiệu quả, lắp đặt hệ thống wifi phủ sóng các nhà văn hóa thôn, hệ thống camera an ninh. Đến nay, có 60 % dân số trưởng thành của xã sử dụng điện thoại thông minh. Đây là cơ sở quảng bá các tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của địa phương, thu hút đầu tư và kết nối phát triển, truyền tải kịp thời các chủ trương, chính sách đến với người dân.
Ông Triệu Văn Sáng, người có uy tín tại xã Quảng An, cho biết: Các mô hình HTX, tổ hợp tác thời gian qua nhận được sự quan tâm rất lớn của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Các thành viên hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, từ đó đời sống người dân nâng cao hơn trước, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cũng vì thế ổn định. Chúng tôi rất mong muốn tiếp tục được sự quan tâm của tỉnh, huyện, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, ví dụ như tuyến đường dẫn đến khu du lịch thác Bạch Vân.
Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện Đầm Hà có hơn 70 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, cùng với nhiều tấm gương người đồng bào DTTS tiên phong phát triển kinh tế tập thể. Tiêu biểu như ông Chíu Dì Sếnh, Giám đốc HTX Quế Lâm (xã Quảng Lâm). Ông đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng cây keo tai tượng sang trồng 17ha cây quế. Cùng với đó, xây dựng một nhà xưởng sản xuất “Rượu nông sản” với quy mô diện tích 325m2, công suất chưng cất rượu khoảng 50.000 lít/năm. Trong đó, có thương hiệu “Rượu khoai Quảng Lâm” là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, hàng năm giúp tiêu thụ trên 30 tấn khoai lang trên địa bàn huyện. Từ các đầu mối sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực trồng rừng, sản xuất sản phẩm OCOP, chăn nuôi…mỗi năm HTX tạo ra công ăn, việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động nhàn rỗi.
Ông Chíu Dì Sếnh, Giám đốc HTX Quế Lâm, xã Quảng Lâm, chia sẻ: Tôi mong địa phương sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của tỉnh, thu hút các nhà đầu tư về Quảng Lâm và có chính sách đất đai, mặt bằng phù hợp với điều kiện vùng cao cho các doanh nghiệp, HTX xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến những nguyên liệu từ cây quế ra nhiều loại sản phẩm khác có giá trị kinh tế. Từ đó, tạo thêm công ăn việc làm để đồng bào DTTS xã Quảng Lâm ngày càng có cuộc sống ổn định tốt hơn.
Thời gian qua, bám sát theo Luật HTX, Hội Nông dân huyện Đầm Hà cũng thường xuyên quan tâm hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác củng cố kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Cùng với đó, phối hợp với Văn phòng điều phối NTM huyện hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để các HTX tham gia xúc tiến thương mại, thông qua các Hội chợ quảng bá giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của huyện. Hướng dẫn cơ sở Hội thành lập các mô hình cùng sở thích, cùng nghề nghiệp, hỗ trợ nhau trong sản xuất (Câu lạc bộ Nông trang xã Dực Yên; Chi hội nghề nghiệp nuôi gà bản xã Quảng Tân; Trồng cây dược liệu xã Quảng An; Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá Lồng bè xã Tân lập; Tổ hội trồng củ cải xã Quảng Tân; Tổ Hội chăn nuôi Lợn thương phẩm thị trấn Đầm Hà…).
Bà Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đầm Hà, nhấn mạnh: Nhờ các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bền vững, bà con đã dần thay đổi tập quán canh tác, đưa các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Kinh tế vùng dân tộc miền núi huyện Đầm Hà đã có sự chuyển biến rất tích cực, thu nhập của người dân tăng lên, nhiều hộ đã vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Đây sẽ là động lực để huyện Đầm Hà hướng tới mục tiêu trở thành huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025.
Đỗ Hùng
Liên kết website
Ý kiến ()