Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 11:34 (GMT +7)
Đầm Hà: Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Thứ 5, 16/11/2023 | 14:08:39 [GMT +7] A A
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang trở thành xu thế tất yếu, là hướng đi hiệu quả đối với các địa phương, trong đó có huyện Đầm Hà. Theo đó, địa phương định hướng lấy phát triển sản xuất là động lực, lấy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nâng cao chất lượng sống của nhân dân là mục tiêu phấn đấu. Từ đó, đề ra nhiều giải pháp, xây dựng cơ chế chính sách hợp lý, thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, triển khai áp dụng các kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất…
Hiện nay trên địa bàn huyện Đầm Hà có nhiều tập đoàn, công ty lớn như Tập đoàn Việt - Úc, Tập đoàn Mavin, Tập đoàn TH, Công ty CP Thực phẩm BIM, Công ty Khoa học công nghệ Lucaci, Công ty Cổ phần Funny Group JSC... đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có Tập đoàn Việt - Úc triển khai dự án sản xuất tôm giống chất lượng cao với công suất 8 triệu con giống/năm. Từ năm 2019 đến nay, đơn vị đạt sản lượng mỗi năm từ 1,5-1,7 tỷ con tôm giống cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh đó còn có HTX Bắc Việt chuyên nghiên cứu, tổ chức sản xuất giống cá biển, cung cấp từ 750.000 đến 1 triệu con cá song giống/năm. Huyện Đầm Hà cũng khuyến khích các đơn vị tham gia vùng trồng rau, dưa lưới trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trong môi trường lạnh sản xuất gà giống, sản xuất từ 150.000 đến 200.000 gà giống cung cấp ra thị trường/năm. Đồng thời, liên kết với gần 500 hộ dân sản xuất gà thương phẩm chất lượng cao cung cấp cho các nhà hàng ở Hạ Long và các địa phương lân cận.
Một số doanh nghiệp, HTX đã thí điểm ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu đạt hiệu quả. Việc canh tác từ khâu làm đất đến việc bón phân, bơm tưới, phân tích dữ liệu về môi trường, đất đai, ánh sáng và chất lượng các loại cây trồng được sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh. Hệ thống tưới tiêu và giám sát được thực hiện qua điện thoại. Những ứng dụng này giúp giảm một nửa chi phí sản xuất và sức lao động, giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất 30%. Từ đó, người nông dân sẽ có cơ hội tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm để có quyết định đúng đắn hơn trong tổ chức sản xuất.
Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, việc chuyển đổi số cũng được địa phương đẩy mạnh thực hiện. Huyện đã tập trung hỗ trợ cho 8 đơn vị tham gia chương trình OCOP xây dựng website quảng cáo bán hàng với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đưa 11/13 sản phẩm chủ lực của huyện lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán nông sản qua các kênh thương mại điện tử bước đầu phát huy hiệu quả.
Theo bà Đỗ Thị Ninh Hường, Bí thư Huyện ủy Đầm Hà, trong thời gian tới, huyện đặt mục tiêu xây dựng huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông dân giàu có, nông thôn văn minh. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, huyện sẽ thành lập, phát triển hai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh là: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết người dân. Quy mô tổng đàn 30.000 con, trong đó chăn nuôi tập trung 10.000 con, liên kết người dân 20.000 con với diện tích 350ha. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản, quy mô 435ha. Cùng với đó, huyện cũng triển khai các quy hoạch phát triển sản xuất ngành nông nghiệp như: Vùng trồng cây ăn quả tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển và bãi triều; tích hợp, kết nối, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô đủ lớn để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Huyện cũng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; xu hướng chuyển dịch trong nội ngành cơ bản bảo đảm mục tiêu cơ cấu lại, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng lĩnh vực, đặc biệt là lợi thế về phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của huyện; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức thực hiện và quản lý tốt các quy hoạch ngành; triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn để huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho phát triển sản xuất, hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới...
Dương Hà
Liên kết website
Ý kiến ()