Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 16:37 (GMT +7)
Đổi mới tư duy để phát triển nông nghiệp bền vững
Thứ 6, 03/11/2023 | 08:21:10 [GMT +7] A A
Cùng với việc chuyển đổi sản xuất theo thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, thời gian qua, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực thay đổi tư duy sản xuất, chủ động tiếp cận thị trường cũng như ứng dụng công nghệ để gia tăng giá trị sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025 (UBND tỉnh ban hành ngày 10/1/2022) đặt ra mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó tập trung sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản theo hướng lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh, phát triển thị trường, xây dựng chuỗi cung ứng - sản xuất - chế biến - tiêu thụ ứng dụng công nghệ, hình thành hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp đồng bộ, bền vững, gắn với du lịch, dịch vụ, thương mại, xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, tỉnh đã quan tâm và dành nguồn lực lớn đầu tư cho phát triển mô hình sản xuất, lấy người nông dân làm chủ thể thực hiện, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ để người nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Trên cơ sở này, việc củng cố kiến thức, nâng cao trình độ canh tác cho bà con nông dân được ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh.
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị liên quan hàng năm xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức, chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nắm vững các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; vận động, hướng dẫn nông dân phát huy nội lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi... Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trong 10 năm trở lại đây, đã có trên 200 nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp được triển khai và hàng trăm lớp tập huấn được tổ chức với sự tham gia của hàng nghìn nông dân trong tỉnh.
Thông qua các lớp tập huấn, nhiều kiến thức, kỹ thuật canh tác và mô hình sản xuất mới được bà con nông dân áp dụng hiệu quả, như: Ứng dụng công nghệ để lựa chọn giống na Đài Loan, trà hoa vàng, mai vàng Yên Tử, gà Tiên Yên, dong riềng, chè, lúa chất chất lượng cao; hoàn thiện và ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị các sản phẩm thủy sản, như hàu, sứa, nước mắm, công nghệ thụ tinh nhân tạo gà Tiên Yên, công nghệ invitro để sản xuất giống hoa lan cao cấp, công nghệ sản xuất giống sá sùng, ngán...
Những phương thức canh tác mới, hiện đại, an toàn đã dần thay thế cho cách trồng trọt, chăn nuôi trước kia, trong đó, chất lượng nông sản được đặt lên hàng đầu để tạo giá trị bền vững lâu dài. Điển hình, như tại huyện Hải Hà, địa phương đã tập trung nâng cao giá trị cho cây chè bằng cách khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè. Trong đó, huyện hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con trồng mới và trồng thay thế giống chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng những giống chống chịu sâu, bệnh, năng suất, chất lượng cao, như: Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn, Kim Tuyên... Qua đó, nâng tỷ lệ diện tích chè giống mới trên toàn huyện đạt trên 85% vào năm 2030.
Ông Chung Văn Tắc (thôn 9, xã Quảng Long) chia sẻ: Những năm gần đây, nhờ những chủ trương, chính sách thay đổi trong cách trồng, chế biến cây chè, các hộ dân trồng chè được tham gia tập huấn, hỗ trợ chuyển đổi diện tích trồng và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao sản lượng và năng suất, chất lượng cây trồng, vì thế đã tăng cả về sản lượng và giá thành. Qua đó, tạo ra giá trị bền vững cho vùng chè và kinh tế ổn định cho người trồng.
Thực tế những năm gần đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao đã không còn xa lạ với bà con nông dân trong tỉnh. Từ những vườn trồng rau không đất (rau thủy canh), trang trại tự động; sản xuất theo chuỗi liên kết là những thành công bước đầu của người nông dân khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, trong thời điểm công nghệ số bùng nổ như hiện nay, nhiều nông dân trong tỉnh đã chủ động tham gia sàn thương mại điện tử để bán hàng và giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đặc biệt với các sản phẩm OCOP. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh có kế hoạch tiếp tục bám sát Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025, trong đó, nội dung xây dựng kế hoạch tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện nghiêm túc và có đánh giá hàng năm.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()