Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 07/01/2025 00:20 (GMT +7)
Đảm bảo an sinh, an dân và an toàn xã hội
Thứ 2, 30/12/2024 | 05:00:18 [GMT +7] A A
Năm 2024 mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là thảm họa bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Quảng Ninh cùng nhiều địa phương trong cả nước, nhưng Quảng Ninh đã kiên cường vượt qua khó khăn, dành nhiều quan tâm chăm lo đời sống nhân dân.
Cùng với tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh lồng ghép trong các chương trình, nhiệm vụ phát triển KT-XH, trong đó có nhiều hoạt động thiết thực hướng về vùng khó, vùng đồng bào DTTS, đối tượng khó khăn trong tỉnh. Đặc biệt, công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm, trong đó cơ sở hạ tầng y tế tuyến cơ sở được quan tâm nhằm đảm bảo cho người dân mọi vùng miền được tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản ngày một tốt hơn. Trong năm 2024, có 23 đơn vị y tế tuyến huyện và tuyến xã được tỉnh đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng với kinh phí trên 75 tỷ đồng. Ngành Y tế tiếp tục triển khai dự án cải tạo, xây mới trụ sở các trạm y tế giai đoạn 2023-2025. Đến nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT toàn tỉnh đạt trên 95,56%, cao hơn mục tiêu chung toàn quốc là 94,1% dân số tham gia BHYT.
Các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia được thực hiện đảm bảo. Năm 2024, toàn tỉnh có 303.832 người tham gia BHXH, chiếm 47,55% so với nguồn lực lao động trong độ tuổi. Chính sách BHYT được triển khai rộng khắp với nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ cho người dân vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, góp phần mở rộng bao phủ BHYT toàn diện. Năm 2024, toàn tỉnh có trên 1,3 triệu người tham gia BHYT và tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,56% dân số tỉnh. Trong năm, có trên 2,7 triệu lượt người tham gia khám chữa bệnh BHYT với tổng số tiền chi là 2.200 tỷ đồng.
Công tác chăm lo đời sống cho người lao động, nhất là lao động có hoàn cảnh khó khăn được các cấp công đoàn trong tỉnh quan tâm. Từ nhiều chương trình LĐLĐ tỉnh phát động, đã có trên 83.800 lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng từ chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên và người lao động” với trị giá trên 8,8 tỷ đồng; trong năm cũng có 23 “Mái ấm Công đoàn” được trao cho đoàn viên công đoàn khó khăn, trị giá 900 triệu đồng…
Đầu tháng 9 vừa qua, bão số 3 đã gây hậu quả nặng nề cho tỉnh Quảng Ninh. Để giúp nhân dân nhanh chóng khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã kêu gọi vận động ủng hộ nhân dân. Qua đó, đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ 166 tỷ đồng của 2.860 tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh, kịp thời phân bổ 10,3 tỷ đồng hỗ trợ khẩn cấp đợt 1 cho 10.300 hộ dân tại 13 địa phương. Tỉnh cũng nhanh chóng ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại, như: Nghị quyết số 42/NQ-HĐND (ngày 23/9/2024) "Về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi) trên địa bàn tỉnh năm 2024”, triển khai hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên học tại các cơ sở giáo dục năm học 2024-2025; hỗ trợ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, trôi, hư hỏng nặng; hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện thủy bị chìm, đắm. Đồng thời, nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác.
Riêng về hỗ trợ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, trôi, hư hỏng nặng do bão, đến nay Quảng Ninh đã hoàn thành triển khai hỗ trợ 74 hộ xây mới, 336 hộ sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí hỗ trợ trên 24 tỷ đồng. Trước thềm xuân mới, các hộ đang tất bật dọn dẹp đồ đạc, mua mới nhiều đồ dùng chuyển về ngôi nhà mới.
Công tác an sinh xã hội luôn được tỉnh đặt lên hàng đầu, nhất là khi dân cần, dân khó. Tổng chi an sinh xã hội năm 2024 của tỉnh đạt 1.897 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023. Tỉnh có 91/91 xã đạt chuẩn NTM; trong đó 54 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Trung ương công nhận Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đến năm 2023. Ngoài ra, hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh đã hỗ trợ xây 200 nhà Đại đoàn kết, tặng 100 suất quà cho cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên với tổng số tiền trên 10,1 tỷ đồng…
Cùng với đó, công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm môi trường cho sự phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống ổn định của người dân cũng được tỉnh chú trọng. Tình hình trật tự an ninh trên tuyến biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tình hình nội bộ Nhân dân cơ bản ổn định; không xảy ra vụ việc đột xuất, bất ngờ, phức tạp. Toàn tỉnh xảy ra 492 vụ (giảm 6,11% cùng kỳ), làm chết 08 người, bị thương 113 người, thiệt hại tài sản trị giá khoảng 231,8 tỷ đồng, trong đó, số án rất nghiêm trọng xảy ra 23 vụ giảm sâu 46,5% so với cùng kỳ. Đã điều tra làm rõ 385/424 vụ, 636 đối tượng (đạt 90,8%); trong đó, điều tra làm rõ 23/23 vụ trọng án, rõ 27 đối tượng; bắt 616 vụ, 1.552 đối tượng ma tuý (tăng 65 vụ 192 đối tượng so với cùng kỳ). Đã bắt giữ 2.723 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trị giá 33,2 tỷ đồng, tăng 8,8% về số vụ, tăng 56,4% về giá trị so với cùng kỳ... Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2025, tỉnh đã ban hành Công điện về việc triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tiến tới đảm bảo ANTT đại hội đảng các cấp và các sự kiện lớn của đất nước.
Trong đó, tỉnh chỉ đạo cụ thể hoạt động chăm lo Tết cho nhân dân. Những ngày qua, các đơn vị, địa phương trong tỉnh gấp rút công việc rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân. Cùng với đó, nhiều đơn vị có kế hoạch cụ thể tổ chức các hoạt động, động viên nhân dân, người lao động, như chương trình: “Tết Nhân ái” của Hội Chữ thập đỏ tỉnh; “Xuân sẻ chia - Tết nhân ái” của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn - Hội Sinh viên tỉnh - Hội đồng Đội tỉnh; “Tết Sum vầy”, “Chợ Tết công đoàn” tại các KCN, CCN trong toàn tỉnh; các chương trình tết quân - dân của các đơn vị LLVT tỉnh… Theo kế hoạch, tỉnh tặng trên 213.500 suất quà cho người có công với cách mạng và thân nhân, đối tượng chính sách xã hội… (tăng hơn 6.800 suất so với năm 2024). Tổng kinh phí tặng quà là trên 120 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, tăng hơn 12,2 tỷ đồng so với năm trước.
Kế hoạch tổ chức chương trình Tết Ất Tỵ 2025, dự kiến tỉnh có 14 hoạt động tổ chức trước Tết, như: Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2025; Hội Hoa Xuân, trưng bày sinh vật cảnh; Chợ Tết Công đoàn - Tết sum vầy; Chương trình văn nghệ “Chào xuân năm 2025”; Triển lãm tranh cổ động tấm lớn chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Hội chợ, không gian văn hóa Tết các dân tộc tỉnh Quảng Ninh; Hội sách, báo xuân… Trong và sau Tết có nhiều hoạt động, sự kiện, như: Chương trình nghệ thuật chào Xuân đón giao thừa; bắn pháo hoa tại 13/13 địa phương trong tỉnh; hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian dịp Tết; lễ khai bút Xuân Ất Tỵ, Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ; Ngày thơ Tết Nguyên tiêu...
Những hoạt động thiết thực hướng đến mục tiêu chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đảm bảo chính sách an sinh, phúc lợi xã hội đối với các đối tượng được thụ hưởng, để mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc đầm ấm, nghĩa tình.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()