Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 07:38 (GMT +7)
Dân è cổ và đâu là giải pháp?
Chủ nhật, 28/08/2011 | 09:49:13 [GMT +7] A A
Trở lại câu chuyện các nhà Đài và sự độc quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh. Liệu có ai dám chắc, K+ sẽ là chiếc đầu thu cuối cùng cho những người hâm mộ bóng đá? Vài ba năm nữa, biết đâu lại xuất hiện B+, rồi C+, E-… Khi nhìn lại, chắc chắn chúng ta sẽ giật mình vì trên mái nhà mình có tới năm bảy chiếc chảo thu!
Không những tranh giành độc quyền, các nhà Đài còn tung ra nhiều gói cước khác nhau, với các mức giá và dịch vụ khác nhau. Chọn gói nào bây giờ? Thật khốn khổ cho người xem truyền hình.
Cứ theo cách tính thông thường, nếu có khoảng một triệu người hâm mộ sắm đầu thu K+, thì số tiền đã là 3.000 tỷ đồng mua đầu thu và trên 2.000 tỷ đồng thuê bao mỗi năm. Một số tiền quá lớn đè lên vai những người dân "trót" có niềm đam mê bóng đá. Số tiền lớn như vậy có nguy cơ biến thành sắt vụn nếu vài năm nữa xuất hiện thêm một "anh" B+?
Vậy thì đâu là giải pháp?
Có lẽ không nước nào trên thế giới nghèo và chơi sang như "dân" Việt Nam. Cả nước có đến hàng chục, hàng trăm công ty truyền hình cáp, mỗi "anh" một kiểu. Các "ông lớn" thì không hợp tác với nhau, tranh nhau mua bản quyền, khi không mua được thì nói xấu nhau đủ kiểu (hình như họ cũng rành cái môn "ném đá giấu tay" "chọc gậy bánh xe")! Các công ty nước ngoài thì "ngư ông đắc lợi" họ bán bản quyền cái mà "ta thích, ta tranh nhau" với giá cao ngất ngưởng, cao hơn cả bán cho một số nước giàu.
[links()]Ở một số nước có nền kinh tế phát triển gấp hàng chục lần Việt Nam, hệ thống truyền hình được quản lý rất khoa học, chặt chẽ. Họ coi tiền của dân cũng là tiền nhà nước, bởi đây là nguồn lực to lớn để đầu tư cho sự phát triển xã hội. Ở các nước này, các hãng truyền hình lớn cạnh tranh với nhau quyết liệt, nhưng là cạnh tranh để nâng cao chất lượng chương trình, để có nhiều người xem kênh truyền hình của mình chứ không phải cạnh tranh để độc quyền như ta. Ở các thành phố, tuyệt nhiên không có các chảo thu , người dân chỉ xem truyền hình cáp với các gói dịch vụ khác nhau, trong đó vẫn có gói không thu tiền.
Từ câu chuyện về sự độc quyền phát sóng giải bóng đá ngoại hạng Anh, Chính phủ cần phải vào cuộc, quản lý thống nhất việc phát sóng truyền hình. Có thể học một cách quản lý thế này: Khi lắp truyền hình cáp, gói 1 sẽ gồm những kênh phục vụ chính trị, khoa học, giáo dục, người xem được miễn phí. Các gói tiếp theo mỗi gói khoảng 20 kênh, với các nhà cung cấp khác nhau và giá dịch vụ tương ứng tuỳ theo khả năng kinh tế của mỗi người. Ví dụ, một triệu đồng mỗi năm cho gói 2, muốn xem gói 3 thì tăng thêm một triệu nữa… Như vậy người dân chỉ cần đăng ký các gói dịch vụ khác nhau là được xem tất cả các kênh trên truyền hình cáp, không phải mua bất cứ thứ đầu thu nào. Còn lợi nhuận, các nhà cung cấp vẫn được hưởng, nhưng hưởng theo kiểu "văn minh", chứ không "sống sượng" như hiện nay. Chắc chắn, với việc không phải mua đầu thu, chúng ta tiết kiệm được hàng ngàn tỷ mỗi năm. Số tiền này khi được đầu tư vào nền kinh tế sẽ mang lại giá trị không nhỏ cho việc phát triển, cho giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ai cũng biết, khi xây dựng nền kinh tế thị trường chúng ta còn nhiều bỡ ngỡ. Nhưng chúng ta phải nhớ, nền kinh tế thị trường của chúng ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi kinh doanh, các nhà Đài cần hướng vào dân, hướng vào việc xây dựng nền kinh tế toàn dân vững mạnh và lợi ích cho những người dân còn nghèo. Đừng để người dân và đất nước nghèo thêm bởi cung cách làm ăn như mấy "ông lớn" trong ngành Truyền hình hiện nay!
Việt Nguyễn
Liên kết website
Ý kiến ()