Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 08:16 (GMT +7)
Dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 5, 13/10/2022 | 08:30:38 [GMT +7] A A
Vùng đồng bào DTTS được Quảng Ninh xác định là khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN. Vì vậy, công tác dân vận ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS luôn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của của cả hệ thống chính trị tỉnh quan tâm thực hiện.
Công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được các cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai sâu rộng trong vùng đồng bào DTTS gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng NTM, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Xác định đội ngũ chức sắc, tín đồ tôn giáo có tiếng nói quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, các địa phương đã tăng cường rà soát và củng cố lực lượng này.
Theo đó, từ năm 2019 đến nay, các cơ sở, đơn vị trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 17 hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho gần 3.000 lượt chức sắc, tín đồ các tôn giáo về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, gắn với nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương, trong đó chú trọng công tác phòng chống dịch Covid-19, xây dựng NTM, đảm bảo an sinh xã hội... Các già làng, trưởng bản, người có uy tín, cốt cán, đoàn viên, hội viên là người DTTS trên địa bàn đã bám sát địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để tham mưu giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đồng bào các dân tộc. Ngoài ra, các chức sắc, tín đồ phật giáo, công giáo trong tỉnh còn vận động, quyên góp được gần 10 tỷ đồng, 7.000 suất quà và xây dựng 20 ngôi nhà tình nghĩa cho người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em mồ côi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh...
Công tác dân vận đối với đồng bào DTTS của LLVT cũng được tăng cường. Các đơn vị LLVT bên cạnh xây dựng các phương án, kế hoạch bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch đã thường xuyên bám sát địa bàn, tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, tham gia đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các phần tử xấu, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Tiêu biểu, lực lượng biên phòng đã tham gia củng cố 48 chi bộ, 32 tổ chức đoàn thể xã hội ở các xã, phường biên giới, biển đảo; duy trì 24 cán bộ biên phòng tăng cường tham gia cấp ủy các xã biên giới; cử 95 CBCS tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, bản, khu phố khu vực biên giới. Đồng thời, cử 420 cán bộ, đảng viên phụ trách trên 1.400 hộ gia đình ở khu vực biên giới, biển đảo. Lực lượng biên phòng còn phối hợp thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa, như: “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi biên phòng”...
Trong 3 năm qua, BĐBP tỉnh đã huy động trên 9,1 tỷ đồng để sửa chữa, xây mới nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở, đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Ngoài ra, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh duy trì hoạt động kết nghĩa 87 cơ sở xã, phường, thị trấn; 57 cụm địa bàn an toàn với 627 đơn vị thành viên... Thông qua công tác này, CBCS biên phòng đã kịp thời nắm bắt tư tưởng, đời sống nhân dân, từ đó kịp thời tham gia công tác tuyên truyền, vận động, cũng như đề xuất với lãnh đạo đơn vị nhiều hoạt động hỗ trợ đời sống, sản xuất của người dân khu vực biên giới, vùng đồng bào DTTS...
Cùng với công tác dân vận, những năm qua các giải pháp phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hảo đảo được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm triển khai. Hàng loạt nghị quyết, chính sách phát triển khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS được triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả rõ nét. Điển hình là các nghị quyết về: Phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020...
Diện mạo khu vực, cũng như đời sống KT-XH vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã ngày càng thay đổi tích cực. Bên cạnh duy trì các nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo, tỉnh đã ưu tiên dành nguồn lực phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin truyền thông, nâng cấp cơ sở trường học, y tế... nâng cao đời sống đồng bào DTTS. Điển hình là các công trình: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; đường nối từ trung tâm xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) đến trung tâm xã Đại Thành (cũ); đường từ trung tâm huyện Đầm Hà đi xã Quảng An; đường kết nối từ QL18 đến khu trung tâm xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà); cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT cửa khẩu Móng Cái dến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh (giai đoạn 2); cải tạo đường nối QL18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ; xây dựng các trạm phát sóng tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo...
Đến nay, 100% xã có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới, 100% hộ đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh quốc gia và tỉnh; phủ sóng điện thoại di động đến 100% trung tâm các xã; 98% đồng bào DTTS có BHYT, trên 97% hộ dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh...
Đẩy mạnh công tác dân vận vùng đồng bào DTTS đã góp phần quan trọng thúc đẩy chương trình phát triển KT-XH của địa phương; văn hóa truyền thống của các dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh ngày càng gắn kết và phát huy.
Nguyễn Huế
- Đơn giản hóa thủ tục vay vốn với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
- Hội đồng Dân tộc Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách phát triển KT-XH, giảm nghèo vùng DTTS, miền núi, biên giới
- Bình Liêu: Chung tay giữ gìn văn hóa truyền thống
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thực hiện xây dựng NTM tại huyện Bình Liêu
- Hội nghị tuyên truyền về công tác biên giới lãnh thổ năm 2022
Liên kết website
Ý kiến ()