Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 11/11/2024 02:21 (GMT +7)
Hội đồng Dân tộc Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách phát triển KT-XH, giảm nghèo vùng DTTS, miền núi, biên giới
Thứ 4, 14/09/2022 | 18:20:52 [GMT +7] A A
Chiều 14/9, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về thực hiện các chính sách phát triển KT-XH, giảm nghèo gắn với đảm bảo QP-AN khu vực miền núi, biên giới, vùng DTTS giai đoạn 2016-2021. Dự buổi làm việc với đoàn giám sát về phía tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành và địa phương liên quan.
Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 12,3% dân số toàn tỉnh, cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh và có vị trí trọng yếu về QP-AN. Thời gian qua, việc chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới luôn được tỉnh quan tâm thông qua nhiều giải pháp đồng bộ và các cơ chế, chính sách cho khu vực này. Đặc biệt, ngoài những chính sách của Trung ương, giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã ban hành một số cơ chế đặc thù như: Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND năm 2016 bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết số 111/2018/NQ-HĐND năm 2018 về quy định mức chi hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2020. Mới đây nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TU năm 2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 0,41%; thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi, biên giới, DTTS đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Cơ sở hạ tầng khu vực này cũng từng bước được cải thiện. Đến nay, 100% xã có đường ô tô được thảm nhựa hoặc bê tông hoá đến trung tâm xã; 100% xã có đủ cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và duy trì, nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; 100% xã có trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của nhân dân; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% số hộ trên địa bàn được sử dụng điện; 99,6% hộ dân trên địa bàn biên giới được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới được giữ vững, ổn định; đồng bào các dân tộc tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tại hội nghị, các thành viên trong đoàn giám sát đã đề nghị tỉnh Quảng Ninh làm rõ một số nội dung liên quan đến: Kết quả, kinh nghiệm giảm nghèo; mức chênh lệch về thu nhập, đời sống của người dân khu vực này với đô thị; hiệu quả các chương trình vốn tín dụng chính sách; việc sắp xếp các đơn vị hành chính, chính sách di giãn dân vùng biên giới; khả năng tiếp cận pháp luật của đồng bào DTTS; tình hình tín ngưỡng, tôn giáo; giải pháp đảm bảo AN-QP khu vực biên giới… Liên quan đến những nội dung này, đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã có những giải trình, trao đổi làm rõ với đoàn giám sát.
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đề nghị tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa công tác triển khai chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những chính sách liên quan đến cải thiện sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng. Mặt khác, các sở, ban, ngành của tỉnh cũng cần chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh xây dựng thêm những chính sách khác để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm QP-AN khu vực biên giới, vùng DTTS, miền núi và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả tất cả nguồn lực đầu tư các chương trình.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()