Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 18:15 (GMT +7)
Đánh giá tác động đầy đủ khi đưa người nghiện ma túy vị thành niên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Thứ 5, 10/03/2022 | 21:08:50 [GMT +7] A A
Sáng 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự án Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phần thảo luận này tại phiên họp.
Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, theo quy định tại khoản 4 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma tuý, thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục này chưa được quy định cụ thể.
Khoản 5, Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy quy định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thẩm tra dự án pháp lệnh, Ủy ban Tư pháp thống nhất về sự cần thiết ban hành pháp lệnh. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, đối tượng điều chỉnh của dự thảo pháp lệnh này là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không phải là biện pháp xử lý hành chính, nên dự án cần thể hiện tính đặc thù này, thủ tục thân thiện, nhân văn và bảo đảm lợi ích tốt nhất của người nghiện ma túy thuộc nhóm tuổi trên được đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Cho ý kiến vào dự án pháp lệnh, các đại biểu thống nhất đánh giá, dự án đã được Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo công phu, nghiêm túc, tiếp thu nhiều ý kiến của các cơ quan, nhất là ý kiến của cơ quan thẩm tra, chất lượng dự thảo pháp lệnh khá tốt, hồ sơ dự án cơ bản đạt yêu cầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tuy dự án được xem xét, thông qua theo quy trình thủ tục rút gọn, nhưng vẫn phải bảo đảm đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, nhất là về cơ sở vật chất phục vụ công tác cai nghiện bắt buộc cho người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi, dự kiến nguồn lực chi cho công tác này…
Dự án cũng cần làm rõ thêm về phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh; làm rõ thế nào là biện pháp hành chính, chế tài hành chính, xử lý hành chính.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao về sự cần thiết sớm ban hành pháp lệnh. Việc ban hành pháp lệnh phù hợp với định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, phù hợp với chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 443 và thực hiện đúng quy định tại Khoản 5, Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo là Tòa án nhân dân tối cao, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, các bộ, cơ quan có liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ đầy đủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung mà tờ trình và báo cáo thẩm tra đã đề cập. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Công an; Bộ Y tế; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính, các cơ quan của Quốc hội…) tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo pháp lệnh; có báo cáo tiếp thu, giải trình cụ thể.
Giữa hai đợt họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi có báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo pháp lệnh thì chuyển cho Ủy ban Pháp luật chỉnh lý về kỹ thuật. Sau đó lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại đợt 2 phiên họp này.
Trong quá trình tiếp thu, giải trình, Ủy ban Tư pháp cần làm rõ nội dung mà Tòa án nhân dân tối cao xin ý kiến và đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định về điều kiện hoãn, miễn chấp hành đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; điều kiện tạm đình chỉ, miễn chấp hành thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại phải quy định ngay trong pháp lệnh làm căn cứ áp dụng.
Các ý kiến cũng đề nghị tiếp tục rà soát để bổ sung các quy định có tính chất đặc thù, phù hợp với đối tượng là người nghiện ma túy từ 12 đến 14 tuổi, khi xem xét đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải chú ý tới các điều kiện đặc thù, đặc biệt, các vấn đề về quy trình thực hiện để tạo điều kiện cho trẻ chữa bệnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để bổ sung báo cáo đánh giá tác động, trong đó báo cáo thêm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực trạng các cơ sở cai nghiện bắt buộc trên cả nước; chế độ, chính sách, các điều kiện bảo đảm cai nghiện, trong đó có các điều kiện bảo đảm cho trẻ em; quy định hiện hành về chế độ để bảo đảm tính khả thi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, dự thảo pháp lệnh phải thể hiện được nội dung Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực này, sự phối hợp giữa Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân để tổ chức thực hiện nhiệm vụ này như thế nào…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao các cơ quan hữu quan phối hợp tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan khác, xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự án pháp lệnh, trong đó có bổ sung báo cáo đánh giá tác động, gửi hồ sơ lấy ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định vào ngày 24/3/2022.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()