Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 18:21 (GMT +7)
Đào tạo nghề cho LĐNT: Điều chỉnh để thích ứng
Thứ 7, 23/10/2021 | 06:53:10 [GMT +7] A A
Thời gian qua Quảng Ninh đã đẩy mạnh thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, giúp nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh, mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần giảm nghèo ở địa phương.
Trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo cho 30.865 LĐNT, góp phần đưa số lao động phát huy được hiệu quả sau đào tạo đạt 86,87% so với số lao động được hỗ trợ đào tạo.
Có được kết quả trên, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện. Hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề được triển khai khá đồng bộ và hiệu quả. Các địa phương thực hiện nghiêm túc việc rà soát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, cũng như rà soát các ngành nghề của địa phương đang có xu hướng phát triển.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các địa phương đã tập trung tổ chức đào tạo theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp, đào tạo nghề theo các mô hình thí điểm có hiệu quả, đào tạo và hỗ trợ lao động tự tạo việc làm để phát triển kinh tế hộ gia đình... Qua thực tiễn, việc triển khai hoạt động hỗ trợ LĐNT học nghề có nhiều mô hình hiệu quả.
Đơn cử như các lớp đào tạo nghề nông nghiệp đã có sự phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu đầu ra đạt chất lượng chuẩn cho nông dân. Đối với các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, ngoài việc hỗ trợ đào tạo cho người lao động là LĐNT đang làm việc tại doanh nghiệp chưa qua đào tạo nghề, đào tạo cho người lao động tham gia tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp, nhiều học viên sau khi đào tạo đã thành lập các tổ đội xây dựng, mỗi tổ có khoảng 15-20 lao động, thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng; thành lập các tổ nấu ăn phục vụ cho việc hiếu, hỷ, hội nghị, nấu ăn cho các lớp bán trú tại các trường mầm non, tiểu học, đáp ứng nhân lực cho các quán ăn, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn, mức lương từ 5-10 triệu đồng/tháng.
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề thích ứng với tình hình thực tế, năm 2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND về hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đào tạo nghề cho LĐNT.
Mục tiêu tỉnh đặt ra trong năm 2021, hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.935 lao động, trong đó có LĐNT; đảm bảo tỷ lệ lao động phát huy hiệu quả sau đào tạo tối thiểu từ 80% trở lên. Để phù hợp với xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, các lao động được đào tạo chủ yếu tập trung vào nghề phi nông nghiệp (1.370 người), còn lại là nông nghiệp. Đặc biệt, việc đào tạo nghề dưới 3 tháng cho lao động, trong đó có LĐNT sẽ thực hiện theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp, để doanh nghiệp tuyển dụng lao động vào làm việc ổn định; đào tạo nghề theo các mô hình thí điểm có hiệu quả; đào tạo và hỗ trợ lao động tự tạo việc để phát triển kinh tế hộ gia đình; ưu tiên hỗ trợ đào tạo cho các đối tượng là nông dân nòng cốt tại các địa phương.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 22.330 người được tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp, đạt 58,76% kế hoạch năm 2021. Trong đó, trình độ cao đẳng và trung cấp là 2.644 người, còn lại là đào tạo sơ cấp.
Với việc tập trung đào tạo lao động trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho LĐNT như kế hoạch đề ra trong năm 2021 sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các lớp đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, bảo đảm sự hài hòa giữa nhu cầu của người lao động với yêu cầu của thị trường lao động.
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()