Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 10:21 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Thứ 3, 25/05/2021 | 07:54:19 [GMT +7] A A
Năm 2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND về "Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng năm 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh", trong đó có đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT). Theo đó, chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT được chú trọng, nâng cao.
Từ năm 2000 trở về trước, đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo "Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020" được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2011. Qua đó, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện. Hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề được triển khai khá đồng bộ và hiệu quả. Các địa phương thực hiện nghiêm túc việc rà soát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như rà soát các ngành nghề của địa phương đang có xu hướng phát triển.
Đơn cử như ngành Nông nghiệp đã chủ động thực hiện công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại nông nghiệp; cung cấp các thông tin về định hướng, quy hoạch sản xuất nông nghiệp... Trên cơ sở đó, các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT gắn với tình hình chung của địa phương.
Nhờ vậy, các lớp đào tạo nghề cho LĐNT thời gian qua cơ bản đáp ứng yêu cầu lao động của địa phương, doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... trên địa bàn. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo hơn 31.000 LĐNT. Thông qua các lớp đào nghề, người học được trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất kinh doanh vươn lên làm giàu, thoát nghèo cho chính bản thân.
Qua giám sát của các ngành, địa phương cho thấy, gần 87% số LĐNT sau đào tạo phát huy được hiệu quả, như: Được tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động, được doanh nghiệp nhận ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Hàng nghìn LĐNT sau đào tạo đã tự thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ, nhóm sản xuất. Nhiều lao động vẫn tiếp tục làm nghề cũ, nhưng năng suất, thu nhập tăng lên. Từ năm 2011 đến nay, hơn 1.000 hộ gia đình có người tham gia học nghề đã thoát nghèo; hơn 4.100 hộ trở thành hộ khá...
Bước vào năm 2021, Quảng Ninh không còn thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT. Tuy nhiên, tỉnh và các địa phương tiếp tục vận động LĐNT tham gia đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
Mục tiêu tỉnh đặt ra trong năm 2021 này là hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.935 lao động, trong đó có LĐNT; đảm bảo tỷ lệ lao động phát huy hiệu quả sau đào tạo tối thiểu từ 80% trở lên. Để phù hợp với xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, các lao động được đào tạo chủ yếu tập trung vào nghề phi nông nghiệp (1.370 người), còn lại là nông nghiệp.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, năm 2021 này, việc đào tạo nghề dưới 3 tháng cho lao động, trong đó có LĐNT sẽ thực hiện theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp để doanh nghiệp tuyển dụng lao động vào làm việc ổn định; đào tạo nghề theo các mô hình thí điểm có hiệu quả; đào tạo và hỗ trợ lao động tự tạo việc để phát triển kinh tế hộ gia đình; ưu tiên hỗ trợ đào tạo cho các đối tượng là nông dân nòng cốt tại các địa phương.
Đối với các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, đào tạo sẽ gắn với mùa vụ, chu kỳ sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi và gắn với sản xuất sản phẩm theo chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Quảng Ninh.
Với việc tập trung đào tạo lao động trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho LĐNT như kế hoạch đề ra trong năm 2021 sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các lớp đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()