Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 20:39 (GMT +7)
Vân Đồn Đào tạo nghề gắn với thị trường lao động
Thứ 4, 22/11/2023 | 07:48:33 [GMT +7] A A
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững. Thời gian qua huyện Vân Đồn chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, hằng năm Phòng LĐ-TB&XH huyện tiến hành khảo sát, cập nhật thông tin nhu cầu học nghề của người lao động, xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó có cơ sở định hướng nghề nghiệp đối với từng nhóm đối tượng cụ thể, đề xuất, mở các lớp đào tạo nghề có hiệu quả cao, thu hút đông đảo học viên tham gia.
Để đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, người lao động sau khi được đào tạo có việc làm phù hợp tại địa phương, huyện bám sát định hướng phát triển là trung tâm du lịch sinh thái biển đảo lớn của tỉnh, khi đó nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án lớn, các trung tâm du lịch chuẩn bị đi vào hoạt động là ưu tiên hướng đến.
Huyện chia lao động theo các nhóm: Có trình độ phổ thông sẽ đào tạo và tạo việc làm tại chỗ bằng các loại hình lao động phổ thông, ít thời gian đào tạo, yêu cầu kỹ thuật đơn giản theo quy mô vừa và nhỏ; nhóm lao động có trình độ, qua đào tạo nghề sẽ tham gia làm việc tại địa phương hoặc giới thiệu tìm việc ngoài địa phương tùy theo ngành nghề đào tạo để bố trí công việc phù hợp. Huyện liên hệ với các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn bố trí cho học viên thực hành, gắn với liên kết đầu ra cho người học nghề ngay sau khi tốt nghiệp, ưu tiên đối với người dân sống tại khu vực phải tổ chức GPMB phục vụ các dự án...
Với cách làm này, sau khi đào tạo, có nhiều lao động tìm được việc làm phù hợp với nghề được đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tế và nguyện vọng người dân. Các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo khá hài lòng với nguồn nhân lực trên, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của huyện. Trong năm 2022 huyện đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 35 người; có 15 lao động tự tạo việc làm; 11 lao động được doanh nghiệp tuyển dụng; còn lại là lao động đã duy trì và mở rộng cửa hàng của gia đình.
Năm 2023 huyện tổ chức tuyên truyền, tập huấn 2 lớp cho 250 người là trưởng thôn, khu, cộng tác viên xã hội, người dân bị thu hồi đất canh tác các dự án tại các xã Đông Xá, Hạ Long, Đoàn Kết; tư vấn và giới thiệu việc làm cho người dân, cung cấp thông tin về hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho lao động, về nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương; tuyên truyền tư vấn, phát tài liệu cho 1.029 học sinh lớp 10, 11, 12 các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX huyện về các chính sách về giáo dục nghề nghiệp, chính sách hỗ trợ học văn hoá, học nghề; 2 lớp đào tạo nghề cho 70 học viên, đạt 100% kế hoạch.
Hiệu quả từ chính sách đào tạo nghề đã hỗ trợ công tác giảm nghèo của huyện, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân. Bà Đặng Thị Hải Hà, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Thời gian tới huyện đề nghị Sở LĐ-TB&XH tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng về công tác giáo dục nghề nghiệp cho cán bộ cấp huyện, nhất là cấp xã, để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công việc hiện nay. Các cơ sở đào tạo nghề, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp cần chung tay trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm sau đào tạo.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()