Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 22:20 (GMT +7)
Đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu mới: Thách thức với doanh nghiệp Việt
Thứ 3, 19/09/2023 | 15:01:47 [GMT +7] A A
Các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều thách thức, những tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng và thị trường.
Những đòi hỏi mới từ thị trường quốc tế
Kinh tế thế giới vẫn đang tiếp đà suy thoái. Nhu cầu của người dân đối với các mặt hàng không thiết yếu như: dệt may, da giày, đồ gỗ cũng giảm theo. Trong khi đây lại là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, đó không phải là thách thức duy nhất.
Tại châu Âu, một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, xung quanh "Thỏa thuận xanh châu Âu" có một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế. Từ đó, nhiều quy định mới được đưa ra với những hàng hóa muốn nhập khẩu vào thị trường này.
Quy định chống phá rừng của EU sẽ áp dụng từ 30/12/2024. Các mặt hàng bị ảnh hưởng bởi quy định này gồm ca cao, cà phê, cao su, đậu nành, gỗ và các mặt hàng khác.
Cơ chế điều chỉnh carbon sẽ áp thuế carbon đối với những hàng hoá nhập khẩu vào EU, thí điểm áp dụng từ 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026 với hàng chục mặt hàng.
Ngoài ra còn nhiều quy định khác. Ngành dệt may, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ chịu tác động trước tiên.
"Liên minh châu Âu đang hướng đến mục tiêu loại bỏ văn hóa "tiêu thụ và vứt bỏ", loại bỏ các sản phẩm có "vòng đời ngắn" và nền kinh tế "tạo rác". Những quy định này sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU", bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, cho hay.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm sẽ không chỉ trong ngắn hạn. Kinh tế tuần hoàn sẽ khiến đơn hàng ít đi, nhưng lại phải tăng cao về chất lượng để sản phẩm bền hơn, giảm rác thải.
"Xu thế số lượng đơn hàng không tăng trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu kinh tế tuần hoàn. Thứ hai là yêu cầu chất lượng sản phẩm cao, đời sản phẩm dài, được sử dụng nhiều", ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho hay.
Theo ghi nhận, với 1 chiếc áo khoác thể thao xuất khẩu sang thị trường châu Âu, tất cả nguyên vật liệu để sản xuất ra chiếc áo khoác này từ vải cho đến khóa, thậm chí là những chiếc khuy nhỏ đều được sản xuất từ 100% nguyên vật liệu tái chế và có thể phân hủy được. Điều này được thể hiện rõ ràng bên trong thân áo in chi tiết. Đây là một trong những đòi hỏi mới từ thị trường quốc tế mà các doanh nghiệp Việt Nam đang cần phải thích ứng.
"Khi yêu cầu về nguyên phụ liệu tái chế như vậy, giá thành, giá vải cũng tăng lên và đó là một trong những áp lực mà doanh nghiệp chúng tôi gặp phải", bà Trần Thị Hà, Giám đốc Công ty Pro-Sports Giao Thủy, chia sẻ.
Tìm đầu ra cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực
Rõ ràng, các doanh nghiệp, các ngành hàng xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí là các vụ việc phòng vệ thương mại sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đó là trong ngắn hạn, còn những đòi hỏi, những tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng, của thị trường sẽ là dài hạn và không thể đảo ngược. Không còn cách nào khác, các doanh nghiệp đang phải xoay xở để thích ứng.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã nhích tăng sau thời gian sụt giảm xuống đáy. Tháng 8 đã tăng khoảng 5% so với tháng 7. Các thị trường lớn, đặc biệt là châu Âu đang "nội soi" ngày càng kỹ các sản phẩm gỗ từ Việt Nam với những quy định mới. Do đó, những đơn hàng tăng thêm chủ yếu rơi vào tay những doanh nghiệp đáp ứng tốt các tiêu chí về môi trường và đa dạng sinh học.
"Nếu chúng ta đi trước và nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của EU thì có thể chúng ta sẽ một mình một chợ, trong khi các nước khác như tôi biết là đang có rất nhiều toan tính và do dự", ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết.
Ngành da giày cũng trong tình cảnh tương tự. Lượng đơn hàng hiện chỉ còn bằng 30% so với trước đây và sắp tới cũng sẽ phải đáp ứng thêm nhiều yêu cầu của thị trường, đặc biệt là châu Âu. Ngành này xác định, cộng đồng doanh nghiệp cùng hợp sức là con đường duy nhất.
"Các doanh nghiệp không thể có nguồn vốn để tự đầu tư. Chúng ta phải suy nghĩ đến việc sản xuất theo một hệ sinh thái để đảm bảo các doanh nghiệp tham gia vào cái hệ sinh thái này họ có thể đáp ứng được các yêu cầu của châu Âu", ông Phạm Hồng Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, cho hay.
"Nói là xanh, nói là bền vũng những các thị trường có các yêu cầu khác nhau. Những doanh nghiệp chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xanh và bền vững vào châu Âu vẫn có thể đi những thị trường khác. Tất nhiên xu hướng dần dần sẽ phổ biến, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị cho nó", bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI, nhận định.
Chuẩn bị cho một lô hàng xuất khẩu hiện cũng cần kỹ lưỡng như chuẩn bị cho một chuyến vươn khơi xa, vừa phải đáp ứng được các điều kiện khắc nghiệt, vừa phải phòng ngừa được các rủi ro. Các doanh nghiệp và hiệp hội cũng cho biết, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, từ đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ kết nối thị trường, cho tới cải cách các thủ tục hành chính.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()