Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 00:29 (GMT +7)
Nhiều "điểm sáng," xuất khẩu nông nghiệp hướng tới mục tiêu 55 tỷ USD
Thứ 7, 16/09/2023 | 12:24:21 [GMT +7] A A
Trong 8 tháng năm 2023, một số ngành hàng như gạo, rau quả, càphê, điều… liên tục giữ được thành tích tốt và vẫn còn dư địa tăng trưởng. Hai ngành hàng chủ lực là thủy sản và gỗ cũng đang phục hồi.
Nhờ có nhiều kỷ lục về nông sản, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục giữ vững mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 54-55 tỷ USD trong năm 2023 dù gặp khó khăn do tác động tiêu cực từ sức mua giảm mạnh của nhiều thị trường lớn.
Gạo và rau quả tăng trưởng tốt
Tám tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 33,2 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ nhưng giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp vẫn được duy trì khi xuất siêu đạt 6,72 tỷ USD, tăng 6,4%. Đây là con số rất ý nghĩa trong bối cảnh thương mại gặp khó khăn hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định thặng dư của ngành nông nghiệp tăng là một chỉ tiêu rất quan trọng vì chiếm tỷ lệ tương đối cao trong thặng dư của cả nền kinh tế. Năm 2022, thặng dư của ngành nông nghiệp đạt 8,76 tỷ USD, chiếm 77,41%, đây là nguồn ngoại tệ để mua trang thiết bị công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54 - 55 tỉ USD đồng thời thặng dư thương mại tương đối tốt để góp phần vào công nghiệp hóa, hiện hóa đất nước và ngành nông nghiệp nói riêng.
Còn chưa đầy 4 tháng nữa là hết năm 2023 và ngành nông nghiệp vẫn giữ mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt mục tiêu 54-55 tỷ USD. Lý giải cho việc giữ vững mục tiêu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng đó là do kết quả tích cực của một số ngành hàng như gạo, rau quả, càphê…
Xuất khẩu lúa gạo 8 tháng năm 2023 đạt 5,85 triệu tấn, trị giá 3,7 tỷ USD, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng đây là ngành hàng rất quan trọng trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu lúc này. Thời gian cho 1 vụ lúa chỉ có 3 tháng, cần tập trung cao độ vào vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2023-2024 để cả năm xuất khẩu hơn 7,5 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4 tỷ USD.
Một nhóm hàng cũng đang rất lợi thế đối với Việt Nam là rau, quả. Trong 8 tháng năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này đã đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn tượng nhất là sầu riêng đã chính thức gia nhập “câu lạc bộ tỷ USD” khi cán mốc 1,2 tỷ USD và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng tốc vào cuối năm.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 4 tháng còn lại, dự báo xuất khẩu sẽ khả quan, khả năng đạt và vượt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD của ngành rau quả là trong tầm tay, bởi nhu cầu đặt hàng của các thương nhân Trung Quốc với sầu riêng, mít và nhiều loại trái cây tăng mạnh. Trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc đã chi hơn 2,3 tỷ USD nhập rau quả của Việt Nam.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu càphê cũng đã đạt 2,94 tỷ USD, tăng 2,3%; điều đạt 2,23 tỷ USD, tăng 9,8%. Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 325 triệu USD, tăng 26,1%
“Đối với các nhóm đang có lợi thế và các thị trường đang có tiềm năng, chúng ta sẽ có những giải pháp để thúc đẩy và phát huy,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Xuất khẩu gỗ và thủy sản phục hồi
Xuất khẩu gỗ và lâm sản, thủy sản vốn là hai ngành hàng chủ lực nhưng kim ngạch xuất khẩu đã giảm sâu từ đầu năm đến nay. Xuất khẩu thủy sản mới mang về gần 5,71 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, còn gỗ và sản phẩm gỗ cũng giảm 25,4%, đạt 8,33 tỷ USD. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, hai ngành này cũng đang có dấu hiệu sẽ phục hồi, đặc biệt là thủy sản.
Theo thông lệ hàng năm, vào dịp cuối năm, đặng biệt là dịp Lễ Giáng sinh và năm mới sắp đến thì nhu cầu chi tiêu hàng hóa trên thị trường trên thế giới sẽ tăng. Điều này sẽ giúp cho thủy sản, ngành gỗ phuc hồi nhanh hơn, mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 54-55 tỷ USD sẽ khả thi hơn.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn chứng kim ngạch xuất khẩu tôm từ tháng 5/2023 đến nay liên tục tăng và xuất khẩu thủy sản Việt Nam những tháng cuối năm đang có tín hiệu tích cực và có thể đạt trên 9 tỷ USD trong năm 2023.
Kết quả đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá da trơn xuất khẩu của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) rất khả quan, không có sai lỗi lớn. Đây sẽ là cơ sở cho các doanh nghiệp tăng giá bán ở các thị trường khác.
Không chỉ thủy sản, ngành gỗ cũng đang ghi nhận các tín hiệu tích cực. Mặc dù xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng đã tăng liên tiếp trong tháng 6, 7, 8/2023 cho thấy đang có dấu hiệu phục hồi về đơn hàng.
Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đánh giá bước qua quý 2, 3/2023 xuất khẩu của mặt hàng gỗ và thủ công mỹ nghệ đã có chuyển biến rõ nét hơn. Các đơn hàng có dấu hiệu hồi phục. Có những doanh nghiệp đơn hàng đã đạt trên 50% công suất nhà máy và xu hướng này đang tăng lên dần.
“Tuy vẫn còn nhiều khó khăn do đơn hàng hiện nay khác với trước kia bởi giá cạnh tranh hơn và yêu cầu về mẫu mã, chất lượng lại cao hơn rất nhiều nhưng hy vọng cuối năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm 2024 đơn hàng sẽ trở lại trạng thái như cũ,” ông Trần Quốc Mạnh kỳ vọng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm khi trao đổi với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) thì VIFOREST vẫn khẳng định sẽ quyết tâm đạt kim ngạch xuất khẩu 17 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh có 2 chính sách cần được quan tâm thực hiện kịp thời để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thủy sản và ngành gỗ. Đó là chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng và việc hoàn thuế 1.600 tỷ đồng cho doanh nghiệp.
“Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, mở cửa thị trường cho nông sản, ngay cả đối với các thị trường khó tính; thúc đẩy ký kết các đơn hàng mới; phối hợp đẩy mạnh đàm phán để đa dạng hóa hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()