Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:05 (GMT +7)
Dấu ấn của Tổng Bí thư với công nghiệp văn hóa
Thứ 6, 26/07/2024 | 11:19:11 [GMT +7] A A
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều tình cảm, quan tâm văn nghệ sĩ cũng như chỉ đạo việc phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Ông đã kế tục và phát triển xuất sắc tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng trong hai "hội nghị Diên Hồng" về văn hóa vào năm 1946, 1948.
Dấu ấn Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021
Những nhiệm vụ, những công việc mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho chúng ta nhiều lắm. Tôi nghĩ mọi ngành, mọi người cứ làm được một phần nhỏ, cộng lại chúng ta sẽ có một kết quả lớn.
Bà Dương Cẩm Thúy |
Ngày 24-11-1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm "văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".
Hai năm sau đó, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai diễn ra tại Phú Thọ khi cả nước đang trường kỳ kháng chiến chống Pháp, vạch rõ nội hàm và đích đến của "nền văn hóa của nước Việt Nam mới".
Đúng 75 năm sau, ngày 24-11-2021 Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu khai mạc, ông dùng chữ "vui mừng" và "hào hứng" để diễn tả cảm xúc của mình.
Một trong ba lý do mà ông nói đó là 75 năm rồi, từ 24-11-1946, nay mới lại có hội nghị toàn quốc về văn hóa với quy mô lớn như vậy.
Tổng Bí thư nói: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...".
Trong đó, ông đề cập tới nghị quyết 33 và nhấn mạnh nhiệm vụ mới là xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường văn hóa.
Theo Tổng Bí thư, sau gần 40 năm đổi mới, sự nghiệp phát triển xã hội, văn hóa, con người đạt nhiều kết quả quan trọng. Song có "không ít bất cập, hạn chế, yếu kém, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người và môi trường văn hóa".
Ông đã có những chỉ đạo đặc biệt với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập, tạo nguồn lực nội sinh và huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong xây dựng đất nước.
Điều đó thể hiện không chỉ trong phát biểu tại hội nghị mang tính dấu ấn này mà còn trong nhiều sự kiện lớn khác, cũng như các bài báo của Tổng Bí thư đăng trên Tạp chí Cộng Sản, các bài nói chuyện, trả lời phỏng vấn báo chí...
Để văn hóa thật sự "soi đường cho quốc dân đi" như lời Bác Hồ dạy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vạch ra nhiều luận điểm mang tính xây dựng như khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc.
Ông cũng lưu ý phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực, môi trường và đời sống văn hóa.
Tổng Bí thư cũng không quên nhắc việc xây dựng môi trường văn hóa trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.
Ông phát biểu rằng nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Ở đó, con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu.
Ông nhắc trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa do Đảng lãnh đạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
"Những dặn dò của ông còn đó"
Qua tâm sự của nhiều văn nghệ sĩ, dễ nhận thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho giới văn nghệ sĩ nhiều tình cảm đặc biệt.
Chị Phạm Hồng Tuyến - con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên - kể giáp Tết 12 năm trước, gia đình được thông báo Tổng Bí thư sẽ đến thăm nhạc sĩ.
Trưa báo thì gần như chiều đoàn đã đến. Gia đình phỏng đoán thời điểm đó, việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Phạm Tuyên đang thu hút sự quan tâm của truyền thông, báo chí nên mới có chuyến thăm hỏi này.
Trong không khí thân mật đầm ấm, Tổng Bí thư chúc nhạc sĩ và gia đình bước sang năm mới dồi dào sức khỏe, tiếp tục đóng góp tâm sức, trí tuệ và tài năng cho nhân dân, đất nước. Đảng, Nhà nước luôn coi trọng và đánh giá cao những đóng góp to lớn của các nhân sĩ trí thức vào thành tựu chung của đất nước.
Lúc đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên rất mừng vì có dịp tặng sách của thân phụ ông (tức học giả Phạm Quỳnh) cho Tổng Bí thư.
Ông phấn khởi suốt mấy ngày Tết sau đó. Mấy tháng sau, Phạm Tuyên chính thức được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Chị Tuyến cho biết tới giờ "gia đình vẫn nghĩ chuyến đến thăm của Tổng Bí thư có tác động không nhỏ đến việc này, luôn lấy làm cảm kích".
Còn bà Dương Cẩm Thúy - chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM - kể với Tuổi Trẻ năm 2019 hội đã thực hiện bộ phim tài liệu nhiều tập Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Sài Gòn - TP.HCM 50 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ.
Tổng Bí thư đã dành cho bộ phim nhiều phát biểu sâu sắc. Bà Thúy nói: "Ông mất đi nhưng những tư tưởng của ông còn đó, những nhiệm vụ ông đã giao, những lời dặn dò của ông còn đó".
Bà Thúy nói bà tâm đắc với những phát biểu của Tổng Bí thư. Như việc ta hiện thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật lớn, tầm cỡ; môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm; sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền còn lớn...
Liên hệ những chỉ đạo về phát triển công nghiệp văn hóa của Tổng Bí thư, đặt vào bối cảnh TP.HCM, bà Thúy cho biết TP đã có chiến lược phát triển nhưng thực tiễn hóa nó cần nhiều yếu tố.
Với riêng ngành điện ảnh, nghe số tiền dự tính phát triển công nghiệp điện ảnh có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng ai cũng sẽ ngao ngán. Nhưng nếu làm tốt cũng sẽ thu được rất nhiều.
Theo bà, trước mắt TP phải có kế hoạch phát triển điện ảnh. Trong đó có cả kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, tận dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và nguồn vốn trong nhân dân, hướng liên kết với du lịch, ngoại giao...
Trăn trở về thiếu vắng những tác phẩm tầm cỡ
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, nhằm triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Những thông điệp của Tổng Bí thư tập trung vào việc đề cao vai trò của văn hóa trong phát triển đất nước, nhấn mạnh vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa dân tộc. Với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Tổng Bí thư coi đây là một nhiệm vụ quan trọng để tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội. Ông Sơn cho rằng những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "không chỉ định hướng cho phát triển văn hóa trong thời gian tới mà còn khẳng định sự quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Ông Sơn vẫn nhớ lần nói chuyện với Tổng Bí thư về văn hóa đất nước trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV. Tổng Bí thư chia sẻ nhiều đến việc phải chấn hưng văn hóa nước nhà để những giá trị văn hóa của đất nước được bảo tồn, phát huy hơn nữa trong bối cảnh mới. Tổng Bí thư rất trăn trở về việc thiếu vắng những tác phẩm văn học, nghệ thuật thể hiện được tầm vóc của sự nghiệp Đổi mới đất nước. "Những điều ông nói khiến những người làm công tác văn hóa như tôi phải trăn trở rất nhiều", ông Sơn chia sẻ. |
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()