Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:17 (GMT +7)
Dấu ấn “tam nông” Cô Tô
Thứ 7, 04/06/2022 | 14:30:05 [GMT +7] A A
Huyện Cô Tô đã có gần 30 năm hình thành và phát triển. Trong quá trình này, sự đầu tư rất lớn của Nhà nước về hạ tầng điện lưới, nước sạch, giao thông đã mang đến cho Cô Tô dư địa phát triển đột phá. Những cư dân đầu tiên bám đảo và những hộ gia đình đến đảo theo chương trình xây dựng kinh tế mới sau này cũng cùng nhau trở thành chủ nhân của Cô Tô, nhân tố chính phát huy thế mạnh của Cô Tô.
Đến xã Đồng Tiến những ngày này là thời điểm địa phương đang tăng cường hoàn thiện những tiêu chí cuối cùng để đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Cùng với Thanh Lân, dân cư Đồng Tiến chủ yếu sống bằng nghề khai thác thủy sản, cấy trồng trên đồng ruộng. Những năm gần đây, bắt kịp đà phát triển du lịch trên địa bàn, người dân Đồng Tiến ngoài đi biển, sản xuất nông nghiệp thì tập trung phát triển du lịch, phục vụ du khách với những dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi, vận chuyển khách...
Thôn Hồng Hải với gần 100 nóc nhà, vốn xưa kia là làng chài của Đồng Tiến thì nay trở thành làng homestay, chuyên dành cho du khách lưu trú. Những mẫu nhà homestay xinh đẹp, nhiều màu sắc nối tiếp nhau của Hồng Hải ngày cao điểm đón đến cả ngàn lượt người. Người dân Hồng Hải cũng là những hướng dẫn viên du lịch cho du khách. Đó có lẽ là lý do để dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, rất đông du khách đã chọn đến Hồng Hải sau một thời gian dài tránh dịch để được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp nguyên sơ với bãi cát dài trắng muốt, khu rừng xanh đậm rì rào tiếng sóng...
Anh Võ Văn Sắt, thôn Hồng Hải, xã Đồng Tiến cho biết: Chúng tôi là người dân gốc Hải Phòng nhưng đến giờ đã sinh cơ lập nghiệp ở Hồng Hải hơn 20 năm. Bản thân tôi vốn chuyên nghề đánh mực ngoài khơi. Từ khi xã Đồng Tiến, thôn Hồng Hải, định hướng vận động người dân kết hợp làm du lịch, tôi đã mạnh dạn đầu tư dãy nhà nghỉ dành cho khách mỗi dịp hè đến hay các ngày nghỉ lễ trong năm. Mô hình du lịch này của tôi ngày càng cho thấy hiệu quả rõ nét, người dân chúng tôi có thêm nguồn thu, còn du khách rất thích thú với không gian du lịch riêng có, giàu tính bản địa và hòa hợp với thiên nhiên.
Có thể thấy, việc người dân Hồng Hải làm du lịch, hay nói đúng hơn là kết hợp nông nghiệp và du lịch chính là thể hiện bước chuyển về nhận thức và hành động của nông dân nơi đây, một thành tố của “tam nông” Cô Tô. Đáng mừng thay, cùng với Hồng Hải, người dân ở 6 thôn khác của Đồng Tiến hay người dân trên toàn địa bàn xã Thanh Lân, thị trấn Cô Tô đều có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Cô Tô ngày càng xuất hiện các mô hình du lịch do nông dân làm chủ, xuất hiện những cánh đồng, vườn mẫu, ruộng mẫu, các mô hình chế biến nông sản. Từ đó nâng cao hệ số sử dụng đất, nâng cao giá trị trên mỗi diện tích đất canh tác, làm hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn và hình thành những nông dân giàu có.
Tính đến thời điểm này, thu nhập bình quân của người dân Đồng Tiến là trên 70 triệu đồng/người/năm; thu nhập của người dân Thanh Lân và thị trấn Cô Tô cao hơn một chút. Mục tiêu của Cô Tô đến năm 2025, thu nhập của người dân trên toàn đảo là trên 80 triệu đồng/người/năm, con số rất đáng mừng, thể hiện mức sống và nền tảng phát triển của người dân Cô Tô.
Thực tế từ những chuyển động của “tam nông” Cô Tô nói trên đã góp phần cho Cô Tô khẳng định vị trí vùng biển đảo tiền tiêu giàu đẹp của tỉnh, là huyện đảo đầu tiên trong cả nước về đích chương trình NTM. Hiện nay, Cô Tô đang tiến lên NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, xu hướng “Tam nông” Cô Tô là nông nghiệp, nông thôn, nông dân cùng song hành phát triển, gắn với du lịch để tiếp tục tạo ra những bước tiến mới.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()