Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 23:40 (GMT +7)
Dấu hiệu cảnh báo căn bệnh ung thư phổ biến, ca tử vong gần bằng ca mắc
Chủ nhật, 20/08/2023 | 16:04:53 [GMT +7] A A
Đôi khi chỉ bắt đầu từ những cơn ho kéo dài, ho có đờm hoặc máu... bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc ung thư phổi, căn bệnh có tỉ lệ mắc mới đứng thứ 2 trong các loại ung thư.
70% bệnh nhân ung thư phổi phát hiện muộn
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ung thư phổi là căn bệnh đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới tại Việt Nam. Mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 26.000 ca mắc mới ung thư phổi, ca tử vong hàng năm cũng rất cao, khoảng 23.000 trường hợp.
PGS.TS Phạm Hữu Lư, Phó Trưởng khoa Ngoại Tim mạch và Lồng Ngực, Bệnh viện Việt Đức cho biết, mỗi năm tại bệnh viện điều trị và phẫu thuật khoảng 300-400 ca ung thư phổi. May mắn hầu hết các bệnh nhân này được phát ở giai đoạn sớm nên đều có thể phẫu thuật.
Còn tại Việt Nam, đa số bệnh nhân ung thư phổi phát hiện ở giai đoạn muộn. Do các triệu chứng lâm sàng của ung thư phổi thường không đặc hiệu nên dễ bị bỏ qua.
PGS Phạm Hữu Lư cho biết, theo các nghiên cứu, chỉ có khoảng 30% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ được chẩn đoán ở giai đoạn sớm (giai đoạn I, II) và 70% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV).
Vì vậy, dù đã có nhiều bước tiến trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi, tuy nhiên ung thư phổi vẫn có tiên lượng xấu và tỉ lệ sống thêm 5 năm thấp.
Những trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, phẫu thuật là biện pháp lựa chọn hàng đầu cho kết quả điều trị tốt với tỉ lệ sống thêm sau 5 năm đạt 50-70%.
Nhận diện các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư
Về cơ bản, các triệu chứng của 2 loại u phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ là tương tự nhau. Những biểu hiện ban đầu có thể nhận thấy thường là:
- Ho kéo dài
Bệnh nhân ho kéo dài, điều trị mãi không dứt, có thể ho có đờm hoặc máu.
Ngoài ra, bệnh nhân có biểu hiện đau ngực trầm trọng hơn khi thở sâu, cười hoặc ho.
- Khàn tiếng
- Hụt hơi
- Thở khò khè
- Suy nhược và mệt mỏi
- Chán ăn dẫn đến sụt cân.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh cũng có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp tái phát như viêm phổi hoặc viêm phế quản kèm theo. Khi khối u lan rộng, một loạt triệu chứng khác sẽ xuất hiện, phụ thuộc vào vị trí khối u mới hình thành.
Cụ thể, nếu khối u xuất hiện ở hạch bạch huyết, người bệnh có hiện tượng nổi u, đặc biệt ở cổ hoặc xương đòn.
Nếu khối u xuất hiện ở xương, người bệnh cảm thấy đau xương, nhất là ở lưng, xương sườn hoặc hông.
Khối u xuất hiện ở não hoặc cột sống, người bệnh có thể có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, dễ mất thăng bằng hoặc tê tay/chân.
Khối u ở thực quản gây khó nuốt.
Khối u ở gan gây biểu hiện vàng da và mắt.
Các khối u xuất hiện trên đỉnh phổi có thể gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở mặt, dẫn đến tình trạng sụp mí mắt, đồng tử nhỏ, không đổ mồ hôi ở một bên mặt, đau nhức vai.
Ngoài ra, đôi lúc tế bào ung thư phổi còn khiến cơ thể tạo ra một chất tương tự như hormone, gây nên một loạt triệu chứng gọi là hội chứng paraneoplastic, gồm: Yếu cơ; buồn nôn và nôn; giữ nước trong cơ thể; huyết áp cao; đường huyết cao; lú lẫn; co giật; hôn mê.
Theo GS Thuấn, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Tuy nhiên, thuốc lá là căn nguyên gây ra 90% ca ung thư phổi.
Không chỉ hút thuốc chủ động, người hít khói thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này. Người hút thuốc tăng nguy cơ ung thư phổi gấp từ 15 đến 30 lần so với người không hút. Khi tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng tăng nguy cơ mắc ung thư phổi lên 20-30%.
Khi khói thuốc lá vào cơ thể, nó sẽ bắt đầu làm tổn thương mô phổi. Phổi có thể sửa chữa những tổn thương này, nhưng việc hít khói thuốc mỗi ngày sẽ dần dần khiến nó mất đi khả năng tự chữa lành tổn thương.
Một khi các tế bào phổi bị tổn thương, chúng sẽ bắt đầu hoạt động một cách bất thường, làm tăng khả năng phát triển khối u ác tính ở đường hô hấp. Đây là lý do ung thư ở phổi tế bào nhỏ hầu như luôn liên quan đến việc hút thuốc nhiều. Chỉ khi ngừng hút thuốc, bạn mới giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh theo thời gian.
Để phòng ngừa ung thư phổi, Bộ Y tế kêu gọi người dân từ bỏ thuốc lá (gồm cả thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử), thực hiện tầm soát ung thư phổi định kỳ, vận động đều đặn, dinh dưỡng hợp lý.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()