Tất cả chuyên mục

Ung thư cổ tử cung là một trong những dạng ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, nhưng rất ít người để ý đến các triệu chứng của bệnh. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã trao đổi cùng bác sĩ Hoàng Đình Thành, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
![]() |
Phẫu thuật cắt tử cung trong điều trị ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
- Dấu hiệu nào để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, thưa bác sĩ?
+ Ung thư cổ tử cung do các tế bào ở cổ tử cung (phần dưới của tử cung) bắt đầu phát triển vượt quá mức kiểm soát của cơ thể gây ra. Các tế bào mới này phát triển quá nhanh chóng và tạo ra khối u trong cổ tử cung.
Ở giai đoạn đầu, phụ nữ bị ung thư cổ tử cung không có triệu chứng. Triệu chứng chỉ xuất hiện khi khối u phát triển lớn hoặc ảnh hưởng đến một số chức năng trong cơ thể. Dấu hiệu phổ biến nhất là chảy máu bất thường từ âm đạo, như: Chảy máu giữa các chu kỳ kinh nguyệt, thời gian dài hơn so với chu kỳ bình thường, chảy máu sau hoặc trong khi quan hệ tình dục, chảy máu sau khi mãn kinh, chảy máu sau khi đi vệ sinh hoặc khám phụ khoa. Nhiều người còn có triệu chứng: Mệt mỏi quá độ; đau ở bụng dưới hoặc xương chậu; đau khi quan hệ tình dục; đau lưng dưới; tiết dịch âm đạo bất thường; tiểu không kiểm soát, tiểu khó, lắt nhắt...
Tuy nhiên, không phải phụ nữ nào có những dấu hiệu trên đều bị ung thư cổ tử cung vì nhiều bệnh khác cũng có những dấu hiệu tương tự. Do đó, chị em phụ nữ đã có quan hệ tình dục và tình trạng viêm nhiễm phụ khoa nên khám phụ khoa để bác sĩ phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Bác sĩ thường sử dụng xét nghiệm Pap để chẩn đoán ung thư cổ tử cung. Nếu xét nghiệm này phát hiện các tế bào bất thường, bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu hơn để chẩn đoán, kiểm tra xem ung thư đang ở giai đoạn nào.
- Nguyên nhân nào gây bệnh ung thư cổ tử cung, thưa bác sĩ?
+ Phần lớn trường hợp ung thư cổ tử cung là do vi rút HPV gây ra thông qua quan hệ tình dục. Từ quá trình lây nhiễm đến diễn biến ung thư cổ tử cung mất 10-15 năm. Vi rút HPV có hơn 100 loại nhưng chỉ có 14 loại có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này; trong đó, chủ yếu là 2 loại: Type 16 và type 18.
Phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung một khi họ bắt đầu có quan hệ tình dục. Ung thư cổ tử cung ít gặp ở độ tuổi 20-30, 60% là từ 35-55 tuổi, 20% là từ 55-65 tuổi, 8% khoảng 65-75 tuổi. Do vậy mà bệnh xuất hiện cả trước và sau mãn kinh.
![]() |
Hình ảnh ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Ảnh: Bệnh viện K Trung ương |
Một số trường hợp có nguy cơ ung thư cổ tử cung cao như: Người quan hệ tình dục với nhiều người (làm tăng nguy cơ nhiễm vi rút HPV); người hút thuốc lá; người có hệ thống miễn dịch kém; nhiễm chlammydia (lây nhiễm qua đường tình dục gây tổn thương vĩnh viễn đến hệ sinh sản của phụ nữ); người ít ăn trái cây, rau quả; người thừa cân; người sử dụng thuốc tránh thai lâu dài; sử dụng thiết bị trong tử cung (đặt vòng); mang thai nhiều; mang thai lần đầu khi dưới 17 tuổi; người có hoàn cảnh sống khó khăn; người sử dụng thuốc nội tiết tố để ngăn ngừa sảy thai; người sinh trong gia đình có bệnh sử ung thư cổ tử cung hay ung thư vú; người có mẹ hoặc chị, em trong gia đình bị ung thư cổ tử cung.
- Việc điều trị ung thư cổ tử cung ở giai đoạn nào cho kết quả khả quan, thưa bác sĩ?
+ Ung thư cổ tử cung có thể chữa được nếu bệnh nhân được phát hiện sớm, ở giai đoạn 1 (giai đoạn mà quá trình phát triển kích cỡ và khả năng xâm nhập của tế bào ung thư từ khi phải nhìn qua kính hiển vi cho đến khi tế bào đạt mức 4cm bề rộng). Tuy nhiên, đa số các bệnh nhân không phát hiện được bệnh ở giai đoạn này do các dấu hiệu chưa rõ ràng. Để phát hiện được, phụ nữ cần khám phụ khoa định kì.
Điều trị ung thư cổ tử cung thường kết hợp 3 phương pháp: Phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Với những người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, điều trị giảm nhẹ sẽ giúp tăng chất lượng cuộc sống bằng cách giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh ung thư.
Để hạn chế ung thư cổ tử cung, chị em phụ nữ cần khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện các loại bệnh, loại vi rút có thể gây ung thư cổ tử cung. Nếu dưới 26 tuổi, phụ nữ nên tiêm chủng ngừa HPV. Nên quan hệ tình dục an toàn (sử dụng bao cao su và hạn chế số lượng bạn tình). Cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, các chất chống oxy hóa và ngăn ngừa ung thư. Giảm tình trạng stress, tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ và đi ngủ đúng giờ...
- Xin cảm ơn bác sĩ!
Thu Nguyệt (Thực hiện)
Ý kiến ()